Năm 2015, Hà Nội giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản

Con số Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đưa ra về khoản nợ xây dựng cơ bản mà thành phố chưa thanh toán là hơn 3.246 tỷ đồng, với tổng số 2.243 dự án, thực sự là điều đáng quan ngại. Bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như sự tồn vong của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.


Dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng, nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) dự kiến sẽ thông xe vào tháng 6/2014. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Tuy nhiên, nợ thì cũng đã nợ, việc cần đề cập tới là thành phố sẽ làm gì để nhanh chóng giải quyết hết khoản nợ này, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.


Chủ yếu nợ ở cấp quận, huyện


Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính đến cuối năm 2013, toàn thành phố có 31 đơn vị có khối lượng thực hiện xây dựng cơ bản (XDCB) vượt kế hoạch giao chưa được thanh toán, gồm 2.243 dự án, với tổng số vốn hơn 3.246 tỷ đồng.


Trong đó, các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng có 1.921 dự án với tổng số vốn 2.198 tỷ đồng; các dự án đang chuyển tiếp là 278 dự án với tổng vốn hơn 982 tỷ đồng. Ngoài ra có 44 dự án không có kế hoạch mà do chủ đầu tư tự triển khai với tổng số tiền hơn 65 tỷ đồng (trong đó huyện Đan Phượng có 38 dự án với số vốn gần 48 tỷ đồng, huyện Phúc Thọ có 6 dự án với số vốn 17,3 tỷ đồng).


“Số nợ XDCB phân theo ngân sách cấp thành phố và hỗ trợ các quận, huyện có 345 dự án với số vốn 1.402 tỷ đồng, chiếm 43%; nợ theo ngân sách cấp huyện là 1.175 dự án với số vốn hơn 1.282 tỷ đồng, chiếm 40%; khối lượng XDCB ngân sách cấp xã là 720 dự án với số vốn hơn 554 tỷ đồng, chiếm 17%. Như vậy, số nợ XDCB gia tăng chủ yếu là ở khối quận, huyện”, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Hà Nội cho biết.


Cũng theo ông Ngô Văn Quý, cuối năm 2012, số nợ XDCB của thành phố là 990 tỷ đồng và đã xử lý 267 tỷ đồng, còn lại hơn 700 tỷ đồng. "Số nợ năm nay vượt 3.000 tỷ đồng là do thống kê cả các công trình dở dang và do báo cáo về nợ XDCB của một số huyện tăng lên”.


"Tỷ lệ nợ vốn XDCB trên tổng số vốn đầu tư phát triển chung của thành phố là khoảng 13,5%, thấp hơn so với bình quân chung cả nước (24%). Tuy nhiên, tỷ lệ nợ XDCB lại tập trung cao ở một số địa phương. Đơn cử một số đơn vị có tỷ lệ nợ XDCB trên 50% tổng số vốn XDCB phân cấp hàng năm như huyện Ba Vì là 181%, huyện Phúc Thọ 181%, huyện Phú Xuyên 180%, huyện Ứng Hòa 175%... Tình hình nợ như trên gây ra tình trạng không lành mạnh về tài chính, ảnh hưởng đến cân đối thu chi ngân sách", ông Ngô Văn Quý cho biết thêm.


Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Ngô Văn Quý, là do nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách lớn, trong khi nguồn vốn cân đối có hạn. Tổng hợp nhu cầu vốn trong 3 năm (2011-2013) của 29 quận, huyện, cần đầu tư theo phân cấp là khoảng 43.000 tỷ đồng. Trong khi đó, thực tế chỉ bố trí được 19.700 tỷ đồng. Ngoài ra, tình hình khó khăn về kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất hụt so với dự toán đầu năm, cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đơn cử như huyện Thạch Thất, năm 2011 thu 14/77 tỷ đồng kế hoạch, năm 2012 thu 9/20 tỷ đồng kế hoạch. Tương tự, huyện Thường Tín, năm 2011 thu 5/23 tỷ đồng kế hoạch, năm 2012 thu 4,9/20 tỷ đồng kế hoạch.


Bên cạnh đó, việc bố trí vốn còn dàn trải, phân tán, dẫn đến thiếu vốn cho công trình, gây ra nợ đọng XDCB. "Một số địa phương chưa bố trí đủ vốn trong kế hoạch xử lý nợ XDCB theo tỷ lệ. Thành phố Hà Nội chỉ đạo dành 30% vốn trong kế hoạch để xử lý nợ XDCB, nhưng huyện Mỹ Đức chỉ bố trí trả nợ đạt 27,7%, huyện Phú Xuyên 24,1%, huyện Thạch Thất 23,5%", ông Ngô Văn Quý cho biết.


Làm rõ trách nhiệm


Đại diện Sở KHĐT thẳng thắn thừa nhận, để xảy ra tình trạng nợ XDCB, trách nhiệm trước hết là thuộc về các sở, ban, ngành, do tham mưu về XDCB chưa tốt. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân là sự chỉ đạo của thành phố chưa quyết liệt. Theo đại diện này, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung giải quyết dứt điểm nợ XDCB.


Cụ thể, đối với nợ cấp thành phố, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, khẳng định: “Trong năm 2014, thành phố sẽ tập trung giải quyết nợ và không để phát sinh nợ mới. Về khối lượng XDCB thuộc trách nhiệm của thành phố, với tổng vốn hơn 1.400 tỷ đồng, trong năm 2013 thành phố ưu tiên bố trí thanh toán nợ XDCB hơn 300 tỷ đồng và năm 2014 bố trí hơn 900 tỷ đồng. Số còn lại là các dự án có vướng mắc, chưa điều chỉnh, thành phố sẽ xem xét bố trí vốn khi điều chỉnh dự án".


Cũng theo ông Nguyễn Thế Thảo, đối với các huyện thị, thành phố chỉ đạo tiếp tục cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện năm 2013 để thanh toán nợ từ nguồn kết dư ngân sách năm 2012 và các nguồn vốn khác. Đối với khối lượng XDCB còn lại (sau khi trả nợ đến 31/12/2013), các quận, huyện xây dựng phương án thanh toán bằng nguồn ngân sách của địa phương trong kế hoạch năm 2014, đảm bảo hết năm 2015 phải hoàn thành xử lý khối lượng XDCB và không phát sinh mới.


“Việc xử lý nợ theo nguyên tắc ngân sách cấp nào trả nợ cấp đó, không lấy ngân sách cấp thành phố trả nợ cho cấp huyện và ngược lại", ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, "để không phát sinh nợ mới, thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ kế hoạch xây dựng cơ bản, đặc biệt là khắc phục việc bố trí vốn dàn trải; chỉ bố trí vốn cho những công trình cấp thiết, công trình dân sinh bức xúc, công trình an ninh quốc phòng, công trình đang triển khai, có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả; tiếp tục đình, dãn, hoãn những công trình chưa thật cần nóng vội, không chạy theo thành tích”.


Để tăng cường trách nhiệm quản lý, thành phố kiểm tra giám sát ngay từ khâu giao chỉ tiêu kế hoạch; kiểm soát thực hiện đúng quy định về quyết định chủ trương đầu tư. “Tôi đã chỉ đạo thanh tra thành phố tiến hành thanh tra nợ XDCB ở một số sở, ngành, quận, huyện và một số đơn vị được giao làm chủ đầu tư để xác định rõ trách nhiệm”, ông Thảo cho biết.


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN