Một nhà máy lọc dầu tại tỉnh Wasit, Iraq. Ảnh: THX/TTXVN
Khoảng 14 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1 xu Mỹ (0,01%) xuống 74,42 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 12 xu Mỹ (0,2%) xuống 70,28 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên 21/2, ghi nhận mức giảm tính theo tuần lần lượt là 0,4% và 0,5%.
Bà Sugandha Sachdeva, nhà sáng lập Công ty nghiên cứu SS WealthStreet có trụ sở tại New Delhi, cho biết đà giảm giá dầu thô là do áp lực từ Tổng thống Mỹ đối với Iraq trong việc nối lại xuất khẩu dầu từ các mỏ dầu Kurdistan, điều này có thể cải thiện dòng chảy cung ứng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sau gần hai năm gián đoạn.
Một quan chức Bộ Dầu mỏ Iraq ngày 23/2 cho biết, Iraq sẽ xuất khẩu 185.000 thùng/ngày từ các mỏ dầu Kurdistan thông qua đường ống Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các chuyến hàng dầu được nối lại.
Thị trường cũng đang hướng sự chú ý đến tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Ngày 23/2, các quan chức cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh bất thường vào ngày 6/3 để thảo luận về việc hỗ trợ thêm cho Ukraine và đảm bảo an ninh châu Âu.
Điều này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng các cuộc đàm phán với Nga về việc chấm dứt chiến tranh nhưng không mời Ukraine hoặc EU tham gia. Một nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết các nhóm đàm phán Nga và Mỹ có kế hoạch gặp nhau trong tuần này để thảo luận về việc cải thiện quan hệ.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với xuất khẩu dầu của Nga đã hạn chế các chuyến hàng của nước này và làm gián đoạn dòng chảy cung cấp dầu bằng đường biển. Nguồn cung năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên nếu một thỏa thuận hòa bình đạt được và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.