Theo đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn giữ nguyên mức mức thuế suất 15% đối với máy bay và 25% đối với các sản phẩm khác nhập khẩu từ EU.
Năm 2019, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép Mỹ áp đặt mức thuế lên tới 100% đối với các hàng hóa của châu Âu, với tổng trị giá 7,5 tỷ USD. Sau đó, Washington đã áp mức thuế suất 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU, trong đó có rượu, pho mát và ôliu, đồng thời tăng mức thuế từ 10% lên 15% đối với các dòng máy bay do Airbus sản xuất.
Tháng 6 vừa qua, Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế bổ sung với lượng hàng hóa trị giá 3,1 tỷ USD nhập khẩu từ EU, trong đó có các sản phẩm như bánh mì, bia, rượu gin và rượu vodka, vì các khoản trợ cấp cho hãng Airbus. Đến tháng 7, EU tuyên bố tuân thủ các phán quyết của WTO, song kêu gọi Mỹ ngừng áp thuế đối với các máy bay của Airbus cũng như các sản phẩm khác của châu Âu vì vấn đề Airbus.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 12/8, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định dù EU vẫn chưa đưa ra các hành động cần thiết theo đúng các quyết định của WTO, song Washington sẵn sàng tìm ra giải pháp nhằm chấm dứt tranh chấp thương mại lâu nay giữa hai bờ Đại Tây Dương. Theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu một tiến trình mới với EU nhằm có thể đi đến một thỏa thuận.
Ủy ban châu Âu (EC) đã thận trọng hoan nghênh quyết định của Mỹ không làm trầm trọng hơn tranh chấp liên quan đến việc trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay của hai bên. Theo EC, Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan sẽ tiếp tục hợp tác với ông Lighthizer để tìm ra một giải pháp dựa trên đối thoại mang tính xây dựng cũng như lợi ích chung.
Tuy nhiên, Airbus đã bày tỏ "lấy làm tiếc" về quyết định trên của Mỹ, khi vẫn giữ nguyên mức thuế đối với các dòng máy bay của hãng này, bất chấp những động thái gần đây của EU nhằm thực hiện phán quyết của WTO. Bên cạnh đó, Airbus cũng mong muốn châu Âu sẽ phản ứng hợp lý để bảo vệ các lợi ích của hãng này cũng như toàn bộ doanh nghiệp của châu lục, vốn phải chịu các mức thuế suất của Mỹ.
Cũng trong ngày 12/8, Anh cũng tuyên bố sẽ tăng cường yêu cầu Mỹ dỡ bỏ thuế suất đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ nước này trong đó có rượu whisky. Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã hoan nghênh Washington khi không áp đặt thêm các thuế mới, song cho biết đã nêu vấn đề rượu whisky trong cuộc hội đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer vào tuần trước. Theo Bộ trưởng Truss, việc áp thuế đã làm tổn hại tới cả hai bên, do đó, bà sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để dỡ bỏ các loại thuế này càng sớm càng tốt.
Trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho Airbus và Boeing. Cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004, khi Washington cáo buộc Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp và hỗ trợ dự án sản xuất một loạt máy bay của Airbus, vi phạm quy định của WTO.
Mỹ và Boeing lập luận rằng nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể mà các nước châu Âu đã dành cho Airbus dưới dạng các khoản vay ưu đãi và dưới lãi suất thị trường, Airbus sẽ không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Boeing. Một năm sau đó, EU cáo buộc Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã nhận 19,1 tỷ USD tiền tài trợ từ Chính phủ Mỹ trong giai đoạn 1989 - 2006. Hai vụ kiện đã sa vào vũng lầy, khi mỗi bên được minh oan một phần sau hàng loạt cuộc kháng cáo.
Trong một bước đi được kỳ vọng sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương về vấn đề trợ cấp hàng tỷ USD cho các hãng máy bay, ngày 24/7 vừa qua, Airbus thông báo đã đồng ý nâng khoản tiền lãi suất mà hãng này phải trả cho các khoản vay được Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha cung cấp để phát triển máy bay A350 lên mức mà WTO đánh giá là hợp lý.