Mỹ ra phán quyết về tài sản của Argentina ở nước ngoài

Nỗ lực trả nợ của chính phủ Argentina tiếp tục gặp trở ngại khi Thẩm phán tòa án quận Manhattan của Mỹ, Thomas Griesa, ra phán quyết quy định mọi tài sản thuộc sở hữu của Buenos Aires ở Mỹ, trừ các tài sản ngoại giao và quân sự, đều bị coi là tài sản có mục đích thương mại.

Với quyết định này, các chủ nợ, đặc biệt là quỹ kền kền như NML Capital hay Aurelius Capital Management, có cớ để tịch thu hoặc phong tỏa những khối tài sản của quốc gia Nam Mỹ.

Trong phán quyết đưa ra ngày 11/8, Thẩm phán Griesa cho rằng Argentina đã không tuân thủ lệnh của tòa án đưa ra ngày 25/9/2013, trong đó yêu cầu Buenos Aires phải cung cấp thông tin về tất cả tài sản của nước này ở Mỹ nhằm có cơ sở phân loại những tài sản không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Ông Griesa lý giải rằng phán quyết mới là nhằm trừng phạt Argentina không thực hiện lệnh trên.

Trong một điều tra riêng rẽ của NML Capital, quỹ đầu tư và là một trong số các chủ nợ của Argentina, cho biết giá trị khối tài sản thương mại của Argentina tại Mỹ ít nhất là 3 triệu USD.

Luật sư Carmine Boccuzzi (người bảo vệ cho quyền lợi của Chính phủ Argentina) ngay lập tức lên tiếng bác bỏ thông tin trên khẳng định toàn bộ tài sản đứng tên Chính phủ Argentina đều là tài sản quân sự và ngoại giao. Ông nhấn mạnh phán quyết của tòa là chưa từng có tiền lệ.

Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010, trong đó Buenos Aires đã thuyết phục được những chủ nợ của 92,4% số trái phiếu đồng ý cho đáo nợ và chỉ nhận một phần mệnh giá trái phiếu.

Tuy nhiên, trong số các chủ nợ nắm giữ khoảng 7,6% số trái phiếu còn lại, một số quỹ đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina lên Tòa án New York đòi Buenos Aires phải thanh toán toàn bộ trái phiếu theo mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt, với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ USD. Thẩm phán Griesa, người thụ lý vụ kiện, đã ra phán quyết ủng hộ các quỹ này và đẩy Argentina vào nguy cơ bị các chủ trái phiếu khác yêu cầu ưu đãi tương tự.

Đầu tháng 6 vừa qua, Thẩm phán Griesa một lần nữa lại đưa ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Argentina phải thanh toán cho thêm 500 chủ nợ tổng cộng 5,4 tỷ USD với lãi suất ưu đãi như Buenos Aires đã trả cho các chủ nợ chấp nhận tái cơ cấu nợ. Với hai quyết định của ông Griesa, số tiền nợ của Argentina đối với các quỹ đầu cơ này lên tới 7 tỷ USD.

Chính quyền của Tổng thống Cristina Fernandez nhiều lần tuyên bố sẽ đưa vấn đề quỹ đầu cơ hay còn gọi là “quỹ kền kền” ra Liên hợp quốc (LHQ) nhằm thiết lập khuôn khổ ngăn chặn các quỹ này tìm kiếm lợi nhuận với giá “cắt cổ”, phá hoại nền kinh tế các nước. LHQ mới đây đã thành lập một ủy ban để xem xét quá trình tái cơ cấu nợ của các nước, trong đó có cuộc tranh cãi giữa Chính phủ Argentina và các quỹ đầu cơ.

TTXVN/Tin tức
Tổng thống Argentina cảnh báo "quỹ kền kền" lũng đoạn kinh tế
Tổng thống Argentina cảnh báo "quỹ kền kền" lũng đoạn kinh tế

Tổng thống Argentina Cristina Fernandez đã tố cáo các quỹ đầu cơ lũng đoạn nền kinh tế của nhiều quốc gia như Argentina, Hy Lạp và Puerto Rico.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN