Mỹ: Bóng ma vỡ nợ vẫn ám ảnh sang năm 2014

Mặc dù Quốc hội đã đạt thỏa thuận vào giờ chót cho phép nâng trần nợ và tránh cho nước Mỹ rơi vào tình cảnh vỡ nợ, nhưng đây chỉ là sự hòa hoãn tạm thời và thị trường thế giới nên chuẩn bị cho giai đoạn căng thẳng mới trong sự đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đầu năm 2014.

Lãnh đạo phái đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Harry Reid (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo sau khi thỏa thuận giữa hai đảng được thông qua cho phép nâng trần nợ công ngày 16/10. Ảnh: AFP-TTXVN.


Gần một tháng qua, Tổng thống Barack Obama, các nghị sĩ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã buộc cả thế giới sống trong trạng thái căng thẳng. Tuy nhiên, thiệt hại nhiều nhất lại là các nhân viên Liên bang Mỹ vì họ buộc phải nghỉ không lương, do chính phủ Mỹ, dưới sức ép của các nghị sỹ Cộng hòa, phải tạm ngừng một số hoạt động vì cạn ngân sách. Theo số liệu sơ bộ, cuộc khủng hoảng trên đã gây thiệt hại 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.

Ông Obama đã phê duyệt giải pháp thỏa hiệp do Quốc hội thông qua vào đêm 17/10. Theo đó, thỏa hiệp này sẽ cung cấp tiền cho chính phủ hoạt động trở lại đến ngày 15/1/2014, đồng thời nâng trần nợ công của Mỹ cho đến ngày 7/2/2014. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ rằng cuộc chiến ngân sách của Mỹ sẽ tái diễn vào đầu năm tới.

Theo ý kiến của ông Mikhail Krylov, trưởng nhóm phân tích của công ty United Traders (Nga), cuộc chiến sẽ nối lại vào trung tuần tháng 1/2014 sau khi ngân sách hoạt động của chính phủ Mỹ cạn kiệt trở lại. “Trong tương lai gần, chúng ta sẽ chứng kiến sự tái diễn của các cuộc tranh luận xung quanh dự luật quan trọng về bảo hiểm y tế. Tổng thống chắc chắn sẽ giữ lập trường cứng rắn về vấn đề này, và do đó nhất định sẽ có một cuộc tranh luận mới xung quanh nguy cơ vỡ nợ và trần nợ công”, ông Krylov nói.

Trong khi đó, nhiều nước bắt đầu mệt mỏi vì bị phụ thuộc vào tình hình nội bộ Mỹ, quốc gia phát hành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Vladimir Nazarov, Phó Giám đốc một viện nghiên cứu kinh tế trực thuộc Văn phòng tổng thống Nga cho rằng vấn đề cấp bách nhất hiện nay là sửa đổi cấu trúc tài chính toàn cầu, nhưng triển vọng về việc đồng USD sẽ bị thay thế trong những năm tới vẫn chưa thấy đâu.

“Chúng tôi vẫn đang theo dõi quá trình lớn mạnh của đồng Euro, nhưng đó chỉ là những bước đi nhỏ. Do hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay đang rất phụ thuộc vào đồng USD nên không thể trông đợi vào việc từ bỏ đồng tiền này và cũng khó có thể thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu một cách nhanh chóng", ông Nazarov khẳng định.

Các nhà phân tích trên đều có chung nhận định, ở Mỹ, cuộc đối đầu giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nội dung ngân sách, trần nợ và các vấn đề khác sẽ trầm trọng thêm trong thời gian tới, nhưng không ai dự đoán được người Mỹ sẽ đưa ra được giải pháp nào cho các vấn đề chính liên quan đến tình trạng nợ công khổng lồ và ngày càng phình to. Hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi nào cho vấn đề này.


CT (Đài tiếng nói nước Nga)
Mỹ thoát vỡ nợ trong gang tấc
Mỹ thoát vỡ nợ trong gang tấc

Nước Mỹ tránh được một vụ vỡ nợ nghiêm trọng trong gang tấc sau khi dự luật nâng trần nợ công đồng thời mở cửa trở lại chính phủ vừa được quốc hội thông qua và Tổng thống Barack Obama ký thành luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN