Mực nước ở Hà Nội đủ điều kiện vận hành các trạm bơm lấy nước đợt 1

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, bắt đầu từ 0 giờ ngày 20/1 đến 24 giờ ngày 23/1 là thời điểm lấy nước phục vụ sản xuất vụ Xuân đợt 1.

Chú thích ảnh
Trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đến khoảng 13h ngày 20/1/2020, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt 1,6m, đủ điều kiện vận hành các trạm bơm lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đến 11h ngày 20/1, 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố Hà Nội đã vận hành 214 trạm bơm bố trí dọc các bờ sông: Đà, Hồng, Đáy, Nhuệ, Đuống, Tích, với tổng số 402 máy bơm các loại, tổng lưu lượng 548.500 m3/giờ. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận hành 110 trạm bơm, với tổng số 179 máy bơm; Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích vận hành 57 trạm bơm, với 66 máy bơm; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy vận hành 38 trạm, với 106 máy bơm...

Hiện nay, người dân đang tạm dừng việc phát quang bờ ruộng để hỗ trợ công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi vận hành thử các tổ máy bơm. Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), trạm bơm Đông Sơn là một trong 4 công trình lấy nước trọng điểm của huyện Chương Mỹ. Để nâng cao năng lực lấy nước, phục vụ 4.100 ha sản xuất nông nghiệp của 6 xã thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đã đầu tư kinh phí thay thế 10 tổ máy bơm, công suất 1.100 m3/giờ/máy.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Chương Mỹ, nếu các trạm bơm của Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích không vận hành tối đa công suất tạo nguồn nước cho sông Tích thì Trạm bơm Đông Sơn sẽ không đủ nước để vận hành…

Không riêng huyện Chương Mỹ, nhiều huyện có diện tích sản xuất nông nghiệp nằm dọc các tuyến sông Tích, sông Đáy, như: Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất… cũng mong được cấp đủ nước để làm đất, gieo mạ, cấy trà xuân sớm… đúng khung thời vụ.

Để đảm bảo người dân lấy đủ nước phục vụ sản xuất vụ Xuân, ông Nguyễn Chí Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì, khi mực nước sông Đà dâng cao, phải vận hành tối đa công suất các trạm bơm: Minh Khánh, Sơn Đà, Trung Hà để tiếp nguồn nước cho sông Tích, bảo đảm các trạm bơm thuộc vùng phục vụ của công ty và đơn vị bạn hoạt động.

Tương tự, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cũng chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài phải vận hành tối đa công suất Trạm bơm Đan Hoài và Trạm bơm dã chiến Bá Giang để tiếp nguồn nước cho sông Đáy, khi mực nước sông Hồng đạt cao trình vận hành các tổ máy…

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cũng đã yêu cầu các công ty điện lực chủ động làm việc với 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố để lập phương án cung cấp điện an toàn, liên tục; đồng thời, tăng cường chế độ trực vận hành, chuẩn bị vật tư và thiết bị dự phòng để xử lý nhanh sự cố lưới điện trong các đợt xả nước…

Cùng với các doanh nghiệp thủy lợi và điện lực triển khai các giải pháp bảo đảm việc lấy nước, các huyện: Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh… đã huy động nhân dân tích cực làm thủy lợi nội đồng, vệ sinh đồng ruộng, sẵn sàng dẫn nước lên ruộng đổ ải, gieo mạ, sản xuất vụ Xuân.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Sở đã đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố vận hành tối đa các công trình, lấy nước ngay từ đợt đầu tiên để trữ vào hệ thống kênh trục, ao, đầm, các vùng trũng và đưa nước lên ruộng phục vụ làm đất, gieo cấy… Vì vậy, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xã, phường, thị trấn vận động, đôn đốc người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ đông để tạo mặt bằng trữ nước, đổ ải, gieo cấy lúa xuân kịp thời.

Nam Giang (TTXVN)
Lịch lấy nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020
Lịch lấy nước gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020

Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ tổng cộng có 18 ngày chia làm 3 đợt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN