Moody’s điều chỉnh triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ 'tích cực' sang 'ổn định'

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa điều chỉnh triển vọng 12-18 tháng kế tiếp đối với hệ thống ngân hàng ở Việt Nam từ mức “tích cực” sang “ổn định”.

Chú thích ảnh
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ môi trường hoạt động của các ngân hàng. Ảnh: TTXVN

Đây là nội dung trong báo cáo công bố ngày 8/11 của Moody’s với tựa đề “Triển vọng hệ thống ngân hàng - Việt Nam: Tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng tài sản hỗ trợ triển vọng ổn định”.

Việc điều chỉnh triển vọng trên dựa vào đánh giá của Moody’s về 6 yếu tố gồm môi trường hoạt động (ổn định); rủi ro tài sản (đang được cải thiện), vốn (ổn định); sự cấp vốn và khả năng thanh khoản (ổn định); lợi nhuận và tính hiệu quả (được cải thiện); sự hỗ trợ của chính phủ (ổn định).

Về môi trường hoạt động, Moody’s cho rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ môi trường hoạt động của các ngân hàng. Cơ quan này cũng dự báo tặng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ vẫn là một trong những mức cao nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có thể cán mốc 6,7% năm 2018 và 6,5% vào năm 2019, nhờ khả năng cạnh tranh kinh tế, cũng như xuất khẩu và tiêu dùng nội địa được cải thiện. 

Về chất lượng tài sản, các ngân hàng Việt Nam sẽ chứng tỏ được sự cải thiện trong 12 - 18 tháng kế tiếp, do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp năng lực trả nợ của người đi vay được cải thiện, qua đó giúp các ngân hàng đẩy nhanh việc xóa sổ các tài sản có vấn đề lâu nay. 

Hoạt động vốn hóa của các ngân hàng cũng sẽ tương đối ổn định. Sự tiết chế về tăng trưởng tài sản sẽ làm giảm bớt sức ép đối với hoạt động vốn hóa của các ngân hàng, trong khi việc tạo vốn nội bộ sẽ tiếp tục cải thiện và hầu hết các ngân hàng được đánh giá đều có lãi.

Hoạt động cấp vốn sẽ vẫn ổn định do tăng trưởng về cho vay chậm lại. Cụ thể, Moody’s chỉ ra rằng tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng hiện khá mạnh, giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn tài trợ nhạy cảm với thị trường, như vay mượn liên ngân hàng. 

Về lợi nhuận, các ngân hàng sẽ chứng tỏ được nguồn thu tốt hơn bởi chênh lệch lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục cải thiện tại thời điểm các ngân hàng đang thúc đẩy cho vay trong lĩnh vực bán lẻ có lợi nhuận cao cũng như trong các bộ phận doanh nghiệp quy mô vừa. 

Về chính sách hỗ trợ của chính phủ, Moody’s cho rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng trong nước khi cần, chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ khả năng thanh khoản cũng như việc cho hoãn nợ từ phía ngân hàng trung ương.

Moody’s đã tiến hành xếp hạng 16 ngân hàng ở Việt Nam, vốn chiếm tới 61% tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2017. Ba trong số đó gồm BIDV, Vietcombank và Vietinbank thuộc sở hữu của nhà nước; trong khi 13 ngân hàng còn lại là các ngân hàng thương mại cổ phần thuộc sở hữu tư nhân.

Ngự Bình (TTXVN)
Moody’s lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam
Moody’s lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng tốc với triển vọng lạc quan, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của những bất ổn tài chính và thương mại gần đây đối với nhiều thị trường mới nổi ở Đông Nam Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN