Mong mỏi nền tái định cư dự án Công viên Sài Gòn Safari

Cơ bản đồng tình với nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, đồng thời mong muốn thành phố thực hiện sớm, thực hiện đúng pháp luật đơn giá bồi thường và bố trí nền tái định cư cho người có đất bị thu hồi bởi dự án Công viên Sài Gòn Safari.

Đây là tâm tư nguyện vọng của những hộ dân huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố bản Kết luận số 2112/KL-TTCP về dự án.

Chú thích ảnh
Dự án Công viên Sài Gòn Safari bị bỏ hoang. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Những ngày tháng 4 nắng nóng, rát bỏng, trong căn nhà nằm trên dự án tái định cư Công viên Sài Gòn Safari, ông Đoàn Văn Xuân, ngụ tại Ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết: "Người dân đã chờ đợi rất lâu, chờ đợi từng ngày kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Nhìn chung người dân cơ bản đồng tình với bản kết luận này nhưng phần sai phạm của chính quyền vẫn còn nêu chung chung".

Theo phản ánh của ông Đoàn Văn Xuân, gia đình ông cũng như nhiều người có nhà và đất bị thu hồi, có giấy chứng quyền sử dụng đất và các giấy tờ hợp lệ nhưng do hộ khẩu ở nơi khác nên không được bố trí phương án tái định cư, không có nền tái định cư.

Trước đây UBND huyện Củ Chi có phương án hỗ trợ người dân di dời với số tiền 120.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên nếu hộ gia đình nào trên 5 nhân khẩu thì huyện lại áp dụng đại trà 500.000 đồng/hộ/tháng là không công bằng, thiệt thòi cho người dân. Cho đến nay người dân chưa hề nhận được tiền hỗ trợ nói trên từ UBND huyện Củ Chi.

Người dân đề nghị UBND huyện Củ Chi căn cứ vào kết luận của Thanh tra Chính phủ để bố trí nền tái định cư đáp ứng đủ cho những hộ dân có nhà và đất bị thu hồi. Còn theo ông Mai Tấn Luật (ngụ xã Phú Mỹ Hưng), gia đình ông có gần 3.500m2 được áp giá 75.000 đồng/m2, đã giao đất nhưng không đồng ý với giá đền bù này. Vào thời điểm thu hồi đất thì Luật Đất đai 2003 có hiệu lực nhưng UBND huyện Củ Chi không áp dụng mà lại áp dụng Luật Đất đai trước đó gây thiệt thòi cho người dân.

Tương tự, ông Trần Văn Trai (ngụ  ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây) một người sống lâu năm có đất bị thu hồi nhưng còn khiếu nại cho biết: "Vào năm 1985 ấp Bàu Đưng rộng 450ha nhưng chỉ có 450 hộ dân sinh sống, trung bình mỗi hộ dân sống trong 1ha. Hiện nay khu vực này dân cư cũng thưa thớt vì vậy không thể xem đây là khu dân cư để rồi xác định các tiêu chí đất nằm ngoài khu dân cư để áp dụng giá đền bù, hỗ trợ khác nhau, gây thiệt thòi cho người dân".

Trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, UBND huyện Củ Chi đã không hiệp thương giá với người dân, không có quyết định thu hồi đất. Đến năm 2012, sau nhiều lần tìm tòi, người dân mới biết đến cái gọi là “phương án giá” của dự án. Đây là nguyên nhân dẫn tới khiếu nại đông người. Gia đình ông có hơn 7.000m2 đất nhưng chỉ được đền bù 75.000 đồng/m2. Hiện tại người dân mong muốn UBND huyện Củ Chi thực hiện đúng quy trình đền bù, hiệp thương giá với người dân, ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân có đất bị thu hồi, đền bù đúng giá trị đất.

Dựa lưng vào vách mái nhà mái tranh vẫn đang tồn tại trên khu đất dự án Công viên Sài Gòn Safari, bà Nguyễn Thị Đang cho hay, gia đình bà có gần 1,5ha liền thửa nhưng không hiểu sao UBND huyện Củ Chi lại đưa ra các tiêu chí đất khác nhau để rồi áp các đơn giá khác nhau gây khó khăn và thiệt thòi. Đây là nguyên nhân khiến bà khiếu nại từ năm 2012 đến nay. Còn theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Ấn (ngụ xã An Nhơn Tây), gia đình ông có hơn 1,2ha đất bị thu hồi được áp dụng các mức giá khác nhau trên cùng diện tích từ 75.000 đồng/m2, 60.000 đồng/m2.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari được xây dựng trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích đất 485,35ha. Mục tiêu của dự án là xây dựng công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á, là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam. Dự án có 705 hộ có đất bị thiệt hại do giải phóng mặt bằng.

Đến nay, sau 14 năm triển khai, dự án mới chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng và một số hạng mục xây dựng cơ bản ban đầu trên phạm vi nhỏ so với tổng thể diện tích đã bồi thường, giải toả. Do Công ty TNHH Một thành viên Thảo Cầm Viên không đủ kinh nghiệm và năng lực thực hiện dự án. Do đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương giao Công ty Cổ phần Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup nghiên cứu đầu tư dự án.

Trở lại dự án Công viên Sài Gòn Safari sau nhiều năm, phóng viên nhận thấy cảnh tượng không có nhiều thay đổi. Vẫn là khu đất bạt ngàn bị bỏ hoang, hàng rào ranh giới đứt gãy, cây dại mọc um tùm. Thậm chí biển báo dự án đã được tháo gỡ. Một số người dân vẫn sinh hoạt trong ngôi nhà tồn tại trên đất dự án do còn khiếu nại. Kế cạnh là những ô đất được người dân trồng hoa màu và chăn thả trâu bò theo đàn.

Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Củ Chi cho biết, Thanh tra thành phố đã có kế hoạch thực hiện nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND huyện Củ Chi đã góp ý để hoàn chỉnh kế hoạch này. Bản thân UBND huyện Củ Chi cũng là thành viên tham gia kế hoạch trên của Thanh tra thành phố.

Theo Thanh tra Chính phủ, 13 năm hoàn thành và phê duyệt việc lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Công viên Sài Gòn Safari là quá dài. Trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều trường hợp đã không được chính quyền căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà theo kết quả kiểm kê thực tế để áp giá là chưa phù hợp với quy định. Cụ thể, trong 705 hồ sơ đền bù có tới 578 trường hợp đền bù không đúng với số tiền 104,74 tỷ đồng.

Tổng diện tích đất phải thu hồi của dự án là 485,35ha. Sau bồi thường, giải tỏa đã có 689 hộ nhận tiền bồi thường với diện tích giải tỏa là 419,68ha, hiện còn 16 hộ chưa nhận bồi thường, chưa giao đất, còn khiếu nại.

Đáng chú ý, diện tích đã bàn giao từ Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi sang Công ty TNHH Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư dự án) là 403,45ha, nhưng trên thực tế UBND huyện Củ Chi và Công ty TNHH Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã không quản lý được toàn bộ diện tích này. Hiện nay trên diện tích đất để triển khai dự án có 66 hộ dân tranh thủ trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi.

Đáng chú ý là vấn đề tái định cư. Thanh tra Chính phủ khẳng định, UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 1 quy mô 18 ha với tổng mức đầu tư gần 178 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2016. Thế nhưng đến nay, dự án xây dựng khu tái định cư không triển khai được. Việc chưa bố trí được tái định cư là một trong những lý do mà người dân khiếu nại, chưa chịu bàn giao mặt bằng.

Về hướng xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân có liên quan, rà soát hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về chủ trương, quy mô, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan đến dự án Công viên Sài Gòn Safari. Khẩn trương xây dựng khu tái định cư, trong thời gian đó thành phố cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ dân đồng thời có biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
'Long đong' dự án Safari và khu nhà ở Đại học Quốc gia
'Long đong' dự án Safari và khu nhà ở Đại học Quốc gia

Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng “treo” không chỉ xảy ra nhiều ở các dự án xây dựng khu đô thị mà diễn ra ngay cả các dự án phục vụ an sinh xã hội. Khu nhà ở Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Công viên Sài Gòn Safari là hai trong số đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN