Mỗi số điện EVN bán chịu lỗ gần 3 đồng

Theo kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của EVN được Bộ Công Thương công bố ngày 20/1, giá thành sản xuất một số điện là 1.633,74 đồng, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.630,96 đồng, thấp hơn gần 3 đồng.

Theo quy định tại quyết định 69/2013 ngày 19/11/2013 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương đã thành lập tổ kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện và công bố rộng rãi để tăng tính công khai minh bạch.

Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện 2015.

Kết quả kiểm tra giá thành năm 2015 được Bộ Công Thương công bố cho thấy: Năm 2015, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 143,68 tỷ kWh. Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 234.736,14 tỷ đồng; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2015 là 1.633,74 đồng/kWh.

Trong khi đó, doanh thu bán điện năm 2015 là 234.339,52 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.630,96 đồng/kWh.

Với những số liệu được công bố, lẽ ra năm 2015 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ do bán điện dưới giá thành, nhưng bên cạnh thu nhập từ bán điện, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, EVN có thu nhập hơn 2.529,36 tỷ đồng từ các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện như tiền bán công suất phản kháng, tiền từ hoạt động tài chính của công ty mẹ EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty điện lực...

Do đó, số liệu công bố năm 2015, EVN vẫn lãi 2.132,74 tỷ đồng.

Liên quan đến diễn biến giá điện trong năm 2017, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, sau khi công bố kết quả kiểm tra giá thành hôm nay, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng giá cơ sở 2017 được tính toán theo kết quả kiểm tra giá thành 2015, kết quả ước thực hiện sản xuất kinh doanh 2016 và tính toán chi phí, giá thành 2017. Đây là cơ sở để Bộ Công Thương thẩm định và quyết định giá bán điện.

Về nguyên tắc, giá điện chịu tác động của biến động 4 yếu tố đầu vào: chi phí nhiên liệu, tỷ giá, tỷ lệ nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, tuabin khí…) và chi phí mua điện của các thị trường điện. Nếu chi phí đầu vào cao hơn giá cơ sở 7% trở lên mới tiến hành điều chỉnh giá. Hiện nay, vẫn chưa có quyết định điều chỉnh giá điện trong năm 2017 mà còn tùy vào các diễn biến.

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ EVN, giá than tăng có thể tác động tạo áp lực tăng giá điện, nhưng nếu năm 2017 thời tiết thuận lợi, huy động được các nguồn thủy điện giá rẻ thì lại làm giảm áp lực tăng giá.

Một yếu tố khác tác động đến giá điện trong năm 2017 là khoản tiền hạch toán chênh lệch tỷ giá năm 2015. Đại diện EVN cho biết, chênh lệch tỷ giá phát sinh năm 2015 là 9.800 tỷ đồng. Trong đó, giá dầu giảm đã đỡ được 5.000 tỷ. Còn gần 5.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp của EVN phải tự xử lý. Năm 2015 đã xử lý được 3.500 tỷ đồng. Phần còn lại, EVN chuyển vào số dư chênh lệch tỷ giá.

Theo chế độ kế toán phải hạch toán hết trong năm nhưng nếu đưa hết vào thì phải đẩy giá điện lên cao. Do đó, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hạch toán dần trong 5 năm, có thể sẽ đưa vào giá điện hoặc EVN có thể tự bù được nếu giá thành giảm.

Việc công bố giá thành điện 2015 khá muộn được Bộ Công Thương lý giải là do báo cáo tài chính của EVN năm 2015 thường đến tháng 3/2016 mới hoàn chỉnh. Sau đó phải tiến hành kiểm toán bởi công ty nước ngoài. Ông Tri cho biết, năm 2016, để đẩy nhanh tiến độ công bố, EVN đã thuê 3 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Tháng 4 có kết quả, tháng 5 sẽ trình ngay Bộ Công Thương để lập đoàn kiểm tra và công bố.

Hoàng Dương
Không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế 2 tháng cuối năm
Không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế 2 tháng cuối năm

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát lạm phát trong phạm vi Quốc hội giao; không tăng giá điện, giá dịch vụ y tế trong hai tháng còn lại của năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN