Mỗi làng, xã phải có một nghề thế mạnh

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với quy hoạch nông thôn mới, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm. Mỗi làng, xã phải có một nghề thế mạnh. Dạy đến đâu hiệu quả đến đó, đảm bảo phải xây dựng được sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trước, sau đó mới nghĩ đến các nghề bổ trợ khác.


Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới


Sau 3 năm triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng số lao động nông nghiệp đã được đào tạo nghề cho cả giai đoạn 2010 - 2013 là trên 660.000 người (đạt trên 50% mục tiêu của Đề án).

 

Lao động nữ nông thôn làm việc tại một cơ sở may túi xách ở Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh:Minh Trí - TTXVN


Theo các chuyên gia nông nghiệp, tuy số lượng lao động nông thôn được đào tạo mỗi năm không hề nhỏ nhưng để người dân thực sự sống được với nghề đã học vẫn còn là một áp lực lớn.


Ông Nguyễn Minh Nhạn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) cho rằng, chương trình đào tạo nghề cho LĐNT ở nhiều địa phương vẫn thiếu định hướng. Thực tế, nhiều chương trình không gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tiến hành tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Quá trình này không chỉ ở khu vực đồng bằng mà còn phải đẩy mạnh sản xuất hàng hóa ở cả những khu vực miền núi. “Việc đào tạo nghề, các cơ sở đào tạo nghề phải dựa vào quy hoạch nông thôn mới của địa phương để đào tạo chuyên sâu 1, 2 nghề trọng tâm. Dạy đến đâu hiệu quả đến đó, đảm bảo phải xây dựng được sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trước, sau đó mới nghĩ đến các nghề bổ trợ khác. Không dạy nghề theo kiểu được chăng hay chớ”, Bộ trưởng nói.


“Ngoài ra, việc đào tạo nghề hiện vẫn tập trung vào các nghề cũ, chưa có nhiều nghề mới. Đơn vị đào tạo chưa hợp tác được với các doanh nghiệp, các công ty để tạo đầu ra cho người học. Chương trình học, có nơi, có chỗ còn có nhiều điểm chưa phù hợp với người dân”, ông Nhạn cho biết thêm. Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát thì cho rằng, hiện nay một số địa phương tổ chức đào tạo quá nhiều ngành, nghề nông nghiệp cùng một lúc cho người dân, chưa có trọng tâm, trọng điểm.


Đào tạo có trọng điểm


Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Trước khi đào tạo nghề, các địa phương phải trả lời được ba câu hỏi: đối tượng đào tạo chính là ai, đào tạo như thế nào và ai là người được đào tạo. Trong giai đoạn 2014 - 2015, các địa phương thực hiện có chiều sâu và hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp, phương châm đào tạo nghề phải có trọng tâm, trọng điểm. Đào tạo đến đâu chắc đến đó, không chạy theo số lượng”.


Ông Phát ví dụ, hiện chúng ta có khoảng 30.000 chiếc tàu, thuyền, tương đương với khoảng 60.000 thuyền trưởng, máy trưởng. Nhưng trong năm qua, chúng ta mới đào tạo được khoảng 20.000 người. Vì thế cần phải tiếp tục đào tạo nghề này cho khoảng 40.000 người nữa để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cho rằng, ưu tiên trước nhất cho các đối tượng LĐNT đang cần có chứng chỉ sơ cấp nghề phù hợp để có thể làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại để họ có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm một cách nhanh nhất.


Cùng quan điểm trên, theo bà Mai Thúy Nga - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dậy nghề (Bộ LĐ - TB&XH), ngoài việc đào tạo một nghề mũi nhọn cũng nên có thêm một số nghề phụ để người dân có thêm lựa chọn, giúp họ tăng thêm thu nhập hoặc thoát ly sản xuất nông nghiệp.


Bên cạnh việc đào tạo nghề cho người nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc hoàn thiện đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên nông nghiệp ở địa phương cũng được coi là một trong những trong tâm của ngành nông nghiệp.


Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp cơ sở làm dịch vụ, phục vụ quản lý nông nghiệp như: thủy nông, khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật là lực lượng nòng cốt về mặt kỹ thuật để hướng dẫn bà con nông dân, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp nông thôn tại cơ sở.


“Ngành nông nghiệp phải cần tới 10.000 dẫn tinh viên mới đủ đáp ứng nhu cầu dẫn tinh cho lợn, cho bò nhưng hiện nay chỉ có 900 dẫn tinh viên. Do đó, trong 2 năm tới, nhất quyết phải làm sao để đội ngũ này được đào tạo để cấp chứng chỉ nghề”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, đội ngũ làm dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, không ít người không có trình độ chuyên môn nhưng vẫn hành nghề mua bán, bán thuốc một cách tù mù, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, Bộ NN&PTNT cho biết, lực lượng chức năng phải tập trung rà soát các cơ sở kinh doanh thuốc thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nếu không có chứng chỉ sơ cấp nghề trở lên thì kiên quyết không cho phép buôn bán.


Cần thêm cơ chế chính sách phù hợp


Theo đánh giá của một số địa phương, công tác đào tạo nghề ở nhiều địa phương hiện còn triển khai chậm, thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế. Đặc biệt, ở một số địa phương còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, việc đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động; công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề chưa phù hợp với điều kiện, khả năng của người dân và nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu…


Từ thực tế này, Bộ NN&PTNT cho rằng, để thực hiện mục tiêu tới năm 2020 cả nước sẽ có 10,6 triệu lao động nông thôn được dạy nghề thì cần có thêm nhiều cơ chế chính sách phù hợp. Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều nội dung không còn phù hợp, cần phải được sửa như việc hỗ trợ người đi học còn thấp nên cần phải quan tâm, nâng mức hỗ trợ cho người học; đồng thời phải có cơ chế để khuyến khích đội ngũ giáo viên tại các trung tâm dạy nghề, các nhà khoa học, các kỹ sư có tâm huyết để động viên họ gắn bó với nông dân và các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Về cơ chế tài chính, bên cạnh ngân sách trung ương, các địa phương cần huy động các nguồn vốn khác như ngân sách địa phương, các chương trình, dự án khác có những nội dung tác động đến khu vực nông thôn, nông dân thì nên dành kinh phí để hỗ trợ dạy nghề.


Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để các trung tâm khuyến nông trở thành trung tâm đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn, đội ngũ cán bộ khuyến nông có nghiệp vụ sư phạm, có trình độ chuyên môn cao về nông nghiệp thì trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị các tỉnh tạo điều kiện để các trung tâm khuyến nông có điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề. Ngoài ra, các trung tâm khuyến nông có thể hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, trang trại để nông thôn để tăng cường đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn”.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) có tổng kinh phí 25.980 tỷ đồng kéo dài từ 2010 - 2020 với mục tiêu ban đầu mỗi năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, đến tháng 12/2013 cả nước đã tổ chức dạy nghề cho gần 660.000 lao động nông thôn, 82,2% lao động sau học nghề có việc làm, tăng năng suất lao động...


H.V

Dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer
Dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer

Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có gần 45.000 hộ với hơn 180.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 61% dân số. Lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 67%, đa phần sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm kiểu “cha truyền con nối” nên hiệu quả kinh tế đạt thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN