Kết thúc khóa học đào tạo nghề, học viên được hỗ trợ con giống, phân bón, vật liệu… để xây dựng mô hình sản xuất. Thế nhưng, hầu hết họ đều chỉ áp dụng một lần và trông chờ vào sự hỗ trợ dài hơi của các cấp chính quyền. Do tâm lý ngại xa gia đình, vợ con, phần lớn học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề sửa chữa xe máy đều không theo nghề được học. Đó là thực tế tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái sau 3 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956.
Có hỗ trợ mới làm
Sau hơn 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, huyện Trạm Tấu đã tổ chức được 33 lớp học, thu hút 914 học viên tham gia. Đây là một con số đáng kể, minh chứng cho những hiệu quả ban đầu mà chương trình đạt được. Không chỉ được học nghề, bà con còn được hỗ trợ để phát triển nghề nghiệp sau khi kết thúc khóa học, đây cũng chính là một trong những yếu tố thúc đẩy bà con hăng hái tham gia chương trình.
Học viên đang học thực hành lớp kỹ thuật trồng nấm tại Trạm Tấu, Yên Bái. |
Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Trạm Tấu, cho biết: "Việc tham gia học nghề để thoát nghèo đối với Trạm Tấu trong những năm qua đã thực hiện rất tốt, thế nhưng bà con vẫn chưa hiểu được giá trị bền vững của việc học nghề. Các học viên sau khi kết thúc khóa học đều được hỗ trợ miễn phí con giống, phân bón, vật tư xây dựng mô hình sản xuất, tạo mọi điều kiện để tiếp cận với vốn vay. Nhưng thực tế hơn 3 năm qua, bà con chỉ thực hiện được vụ đầu tiên, đến vụ sau họ lại chờ được cung cấp".
Là huyện nghèo, với trên 70% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn kém, nên vấn đề đào tạo nghề để phát triển kinh tế bền vững của Trạm Tấu vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. |
Chị Lò Thị Hòa (thôn Hát 2, xã Hát Lìu) học viên tham gia lớp kỹ thuật trồng nấm chia sẻ: “Em lập gia đình cách đây 3 năm. Sau khi sinh cháu, em được cán bộ động viên đi học để phát triển kinh tế. Nhà chỉ có 3 người, nhưng chồng đi làm ở thủy điện trong Đà Nẵng, nên chủ yếu một mình phải vừa làm ruộng, hoa màu vừa nuôi con nên không có tiền đầu tư tiếp. Nếu học xong Nhà nước không hỗ trợ để dựng mô hình trồng nấm thì cũng không tự làm được”.
Là huyện nghèo, với trên 70% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn kém, nên vấn đề đào tạo nghề để phát triển kinh tế bền vững của Trạm Tấu vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. “Mặc dù chúng tôi đã kết hợp với trung tâm dạy nghề của huyện xuống tận thôn, bản để tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách làm, kỹ thuật cũng như chọn con giống tốt để ươm cho vụ mùa tiếp theo; nhưng bà con không ý thức được việc đầu tư để phát triển kinh tế, mà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của các cấp ngành”, bà Hương nói.
Để khắc phục tình trạng trên, Phòng LĐTBXH chỉ đạo trung tâm dạy nghề chia phần thực hành ra nhiều giai đoạn, tiết kiệm kinh phí trong quá trình đào tạo để khi khóa học kết thúc trích nguồn vốn hỗ trợ bà con ươm con giống. Đồng thời, cán bộ chuyên trách khu vực cần xem xét, hướng dẫn kỹ thuật để bà con nhuần nhuyễn kiến thức đã học, từ đó áp dụng vào sản xuất.
Không thích đi xa
Cứ A Bảo (thôn km21, xã Trạm Tấu), học viên đang tham gia lớp học sửa chữa xe máy tại trung tâm dạy nghề huyện Trạm Tấu, chia sẻ: “Tham gia lớp học đến nay đã được 2 tháng, mình đã biết tháo lắp và sửa chữa các loại xe gắn máy. Học xong về có điều kiện thì mình mở tiệm, không thì mình sẽ đi làm thuê gần nhà, tiết kiệm khi nào đủ tiền thì mở tiệm thôi, chứ mình còn con nhỏ không đi làm xa được”.
Cùng tâm trạng như Bảo, Hờ A Lòng, thôn Đề Chơ, xã Làng Nhì, tâm sự: “Còn một tháng nữa là học xong, nhưng chưa biết có mở tiệm được không vì không có tiền. Trước có anh cạnh nhà cũng học tại trung tâm, kết thúc khóa học thì đi làm tận dưới Vĩnh Phúc. Mình cũng được các thầy tư vấn, học xong xin việc cho dưới đó, nhưng mình không đi đâu, xa lắm”.
Ông Hảng A Thào - Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Trạm Tấu, cho biết: Mỗi năm Trung tâm tổ chức một lớp nghề sửa chữa xe máy, nhằm tạo công ăn việc làm cho trai bản. Thế nhưng, hầu hết tâm lý đều ngại đi làm xa, vì vướng gia đình, vợ con. “Một khóa có 25 học viên thì may ra mới có 2 - 3 trường hợp nhận lời xuống xuôi để làm đúng nghề”, ông Thào nói.
Việc quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một chủ trương đúng đắn, là lời giải cho bài toán giải quyết việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước giúp người nông dân có tay nghề phù hợp. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, Trạm Tấu cần có phương pháp tuyên truyền, vận động để những lao động học xong nghề đi lập nghiệp ở những địa phương khác. Đồng thời, hỗ trợ để học viên vay vốn phát triển nghề đã học, mở rộng các hình thức đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn được lựa chọn ngành nghề...
Bài và ảnh: Minh Đức