Mới có 15 địa phương hoàn thành hệ thống thông tin nhà ở, thị trường bất động sản

Mặc dù các quy định của Nghị định số 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản khá đầy đủ, chi tiết, tuy nhiên, kết quả thực hiện đạt được còn thấp so với yêu cầu đặt ra.

Chú thích ảnh
Chung cư Tân Tây Đô nằm trong Khu đô thị mới tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước mới chỉ có 15 địa phương hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; trong đó có việc tại nhiều địa phương, chính quyền các cấp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản cũng như trách nhiệm của địa phương nên không chú trọng, thiếu sự quan tâm cần thiết.

Bên cạnh đó, nguồn lực về tài chính, nhân sự tại nhiều địa phương còn hạn hẹp, chế tài xử lý còn nhẹ nên chưa mang tính răn đe; một số quy định còn chung chung dẫn đến khó thực hiện trong điều kiện thực tế.

Qua theo dõi việc thực thi pháp luật và tổng hợp ý kiến của các địa phương cũng cho thấy, hiện một số quy định của Nghị định 117 không còn phù hợp với thực tiễn mà cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy mạnh hoàn thiện hơn nữa hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng nhận định.

Một số địa phương phản ánh, nếu theo Nghị định 117, kinh phí cho việc điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản sử dụng nguồn chi thường xuyên do ngân sách địa phương bảo đảm và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách hàng năm cho hoạt động này cũng như tính toán chỉ tiêu thống kê khác về nhà ở và thị trường bất động sản...

Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí của địa phương còn hạn chế. Nguyên nhân là do nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp; đồng thời, phải phân bổ cho nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau nên việc bố trí kinh phí thực hiện cũng hạn chế.

Mặt khác, trong các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập dự toán kinh phí để phục vụ điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hay quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác, sử dụng thông tin này... Do vậy, hầu hết các địa phương gặp khó khăn trong lập kinh phí dự toán để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí ngân sách hàng năm.

Ngoài ra, việc bố trí nhân sự thực hiện cũng khó khăn do không được tăng bộ máy biên chế mà hầu hết là kiêm nhiệm nên chất lượng vừa không tốt mà còn khó đồng đều...

Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng, cần xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 117 nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản thời gian qua.

Điều này cũng nhằm đảm bảo công khai, minh bạch thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm phục vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương có liên quan; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tương thích với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Thu Hằng (TTXVN)
Giá nhà ở thương mại phải phù hợp với 'túi tiền' người dân
Giá nhà ở thương mại phải phù hợp với 'túi tiền' người dân

Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phát triển và cải tạo sửa chữa nhà đạt 1,032 tỷ m2, tương ứng với khoảng 11,9 triệu căn nhà, đảm bảo đạt bình quân đầu nguời khoảng 27- 30 m2 sàn/người. Tuy nhiên, giá nhà vẫn đang không ngừng tăng, cao hơn nhiều mức thu nhập người dân, khiến “túi tiền” của người mua khó tiếp cận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN