Ông có thể cho biết vài nét về mô hình TOD và những ưu điểm khi xây dựng TOD tại Hà Nội?
Phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) được định nghĩa ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau. Tùy theo mục đích quy hoạch, TOD có thể xác định là một giải pháp để phát triển đô thị hay là xây dựng cộng đồng thân thiện với giao thông công cộng (GTCC) hay một hình thái đô thị cụ thể.
Ở cấp địa phương, TOD có thể xem là sự kết hợp mật độ đô thị cao với giao thông công cộng (GTCC) cũng như đi xe đạp và đi bộ. TOD còn là mô hình kết hợp nhà ở, cửa hàng bán lẻ, văn phòng với không gian đi lại thoải mái, giúp người dân đi lại, mua sắm thuận tiện. Hà Nội hiện đang phát triển mất cân đối giữa đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, dẫn đến ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, lãng phí nguồn lực của xã hội...
Video Ths. Lê Trung Hiếu chia sẻ về mô hình TOD:
Hiện nay, TP Hà Nội xác định mô hình TOD là giải pháp phát triển đô thị theo định hướng GTCC để quy hoạch, tái thiết và phát triển đô thị. Mô hình TOD được định hướng lấy đường sắt đô thị (ĐSĐT) làm căn cứ để lập quy hoạch, hay nói cách khác là giao thông dẫn dắt phát triển đô thị; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện cá nhân, giảm phát thải; gia tăng kết nối giữa các khu vực trọng yếu.
Vậy, TOD có phải là giải pháp tối ưu cho đô thị Hà Nội không, thưa ông?
Một trong những nguyên tắc phát triển TOD là nguyên tắc đô thị nén. Tức là thiết kế đô thị có đầy đủ chức năng thiết yếu phục vụ hoạt động hàng ngày của người dân trong cự ly đi bộ ngắn. Phương thức di chuyển trong đô thị nén là đi bộ đến các điểm lân cận và đi bằng ĐSĐT khi cần di chuyển xa hơn. Như vậy, nếu có mạng lưới ĐSĐT phát triển toàn diện, chúng ta hoàn toàn có thể quy hoạch Hà Nội theo mô hình đô thị nén.
Theo tôi, vấn đề trước mắt là Hà Nội chưa có hành lang pháp lý để thực hiện quy hoạch theo mô hình TOD, cũng như khai thác tối đa giá trị đất đai trong khu vực TOD. Do vậy, chúng ta cần sớm xây dựng hành lang pháp lý, vì đây là tiền đề rất quan trọng, mang tính quyết định giúp khai thác tối đa lợi thế từ mô hình TOD để tái thiết và phát triển đô thị.
Đáng chú ý là Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của Thủ đô. Theo đó, hành lang pháp lý đối với TOD được tập trung vào 3 vấn đề chính: Quy hoạch; tích tụ đất; khai thác giá trị tăng thêm từ đất. Trong đó, việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất được đặc biệt chú trọng, đầu tư.
Khi lập quy hoạch cần làm chi tiết bao gồm các dữ liệu cụ thể về việc sử dụng đất, mật độ, cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ và đi xe đạp, không gian công cộng; sự tích hợp với các phương tiện vận chuyển... Cần có các quy định đặc thù cho khu vực TOD, cho phép điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất; được áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; được linh hoạt điều chỉnh quy hoạch theo thời gian và xu hướng phát triển của thị trường.
Việc tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất có phải là điều kiện then chốt khi triển khai TOD không, thưa ông?
Từ những kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, việc sớm tích quy hoạch và để giành được quỹ đất đầu tư xây dựng ĐSĐT và các khu đô thị trong khu vực TOD là điều kiện tiên quyết, quyết định thành công của mô hình TOD. Do vậy, cần có các quy định, cơ chế, chính sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp để tích tụ được tối đa đất khu vực TOD.
Để có thể phát triển huy động nguồn lực từ đất đai thông qua mô hình TOD, chúng ta cần có: Khung pháp lý về quy hoạch, sử dụng đất thực hiện các dự án TOD thông qua hệ thống luật đất đai, luật quy hoạch… Quy định pháp luật cụ thể về quyền sử dụng không gian ngầm, nổi, trong đó có thể điều chỉnh, gia tăng hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng.
Cần xây dựng khung pháp lý để thu được giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD thông qua bán đấu giá, đấu thầu đất; các khoản thu từ thuế tài sản, đất đai, phí cải thiện hạ tầng… Ngoài ra cần có khung pháp lý cho TOD theo hình thức đầu tư PPP, bổ sung cơ chế đầu tư đổi đất lấy hạ tầng để tạo khả năng tăng cường nguồn vốn từ đất.
Bên cạnh đó, để có thêm nguồn thu từ TOD có thể điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong khu vực TOD kết hợp với gia tăng các loại thuế, phí như: Đấu giá, đấu thầu đất; thu phí cải thiện hạ tầng tư đầu tư công của nhà nước; thu thuế từ đất đai, tài sản quanh TOD, nguồn thuế hình thành trong tương lai; thu từ cho thuê không gian ngầm TOD….
Có thể khẳng định, Hà Nội đang bước từng bước thận trọng, chắc chắn trên một hành lang pháp lý phù hợp; hoàn toàn có thể tin tưởng Thủ đô của chúng ta sẽ thành công xây dựng mô hình TOD, phát triển đô thị hiện đại, bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!