Đây là mô hình được gia đình anh Nguyễn Vĩnh Thắng (41 tuổi, tổ 2, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) áp dụng từ năm 2016 cho đến nay. Hiện mỗi năm, từ mô hình chăn nuôi gà tiên tiến này đã đem về nguồn thu ổn định hơn 400 triệu đồng.
Từ năm 2008, gia đình anh Nguyễn Vĩnh Thắng đã nuôi gà thịt để bán thương phẩm. Qua từng năm, từ số lượng nhỏ vài chục con, anh Thắng dần mở rộng quy mô lên 1.000- 2.000 con. Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi truyền thống đã không mang lại thu nhập ổn định, duy trì đàn gà tốt do dịch bệnh.
Sau thời gian tìm hiểu trên mạng, vợ chồng anh quyết định chuyển sang mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học. Với phương pháp mới này, chuồng trại sẽ được trải bạt hay tráng nền xi măng, sau đó lót một lớp vỏ trấu, mùn cưa, phôi bào, rơm rạ… với độ dày khoảng 20cm. Đệm lót sẽ được phối trộn men sinh học Balasa N01 giúp phân, nước tiểu của gà được phân hủy, giảm khí độc và mùi hôi.
Nhờ đệm lót sinh học, gà nuôi số lượng lớn trong cùng diện tích chuồng ít bị bệnh, lớn nhanh hơn. Trung bình gà nuôi từ 3,5- 5 tháng đạt trọng lượng từ 2- 3kg có thể xuất chuồng.
Bên cạnh đó, gia đình anh Thắng lựa chọn nhập giống gà lai chọi để nuôi nên sức đề kháng tốt, thịt cũng dai và ngon hơn so với các giống gà khác. Mô hình này cũng giúp anh giảm chi phí dọn dẹp thường xuyên do phân gà tự phân hủy, ủ hoai trong lớp đệm sinh học. Sau mỗi lứa gà xuất chuồng, các chất lót đệm được thu gom, tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng. Theo lời anh Thắng, mỗi lứa khoảng 2.000 con gà có thể cho đến 8 tạ phân bón tùy vào lượng chất lót đệm được sử dụng.
Sau 4 năm áp dụng mô hình, hiện nay gia đình anh Thắng đã mở rộng quy mô chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học lên hơn 1.400m2 chia thành 4 trại với hơn 12.000 con gà.
“Với 4 trại gà được tôi nuôi theo kiểu gối đầu để tháng nào cũng có lứa gà được xuất chuồng. Trung bình mỗi lứa xuất khoảng 2.000 con với giá dao động từ 60.000-70.000 đồng/kg tùy thời điểm. Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng tiệc cưới, quán ăn trong huyện Chư Prông. Ngoài ra tôi cũng xuất gà đi tỉnh Kon Tum. Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi gà cũng đem lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định hơn 400 triệu đồng mỗi năm”, anh Thắng chia sẻ.
Không chỉ cho gia đình có nguồn thu nhập lớn, anh Thắng vừa phát triển được mô hình để tạo sinh kế cho nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo bằng cách mượn đất, lắp đặt chuồng trại, cung cấp con giống, thức ăn và thuê chính chủ đất chăm sóc cho đàn gà. Hiện tại, anh đã liên kết được với 2 gia đình để cùng phát triển mô hình.
Gia đình ông Siu Rup (70 tuổi, thôn 5, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) khá khó khăn. Mặc dù có đất rộng nhưng không phát huy được công năng do không có kinh phí. Từ năm 2018, sau khi nhận chăm sóc đàn gà 2.000 con cho gia đình anh Thắng, ông Rup đều đặn được trả lương 3 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, lượng phân bón thu được từ trại gà ông dành để bón vườn rau và bán cho nông dân trồng cà phê, kiếm thêm thu nhập.
Phụ trách kỹ thuật chăm sóc 2 trại gà cho gia đình anh Thắng với quy mô 8.000 con ngay trên diện tích đất rẫy của mình, ông Trần Văn Dũng (49 tuổi, thị trấn Chư Prông) được trả lương 8 triệu đồng/tháng. Từ ngày nhận nuôi gà, ông Dũng tận dụng được nguồn phân sinh học sau mỗi lứa gà xuất chuồng cho vườn cà phê, chanh dây và tiêu của gia đình. Nhờ đó ông Dũng đã tiết kiệm đáng kể kinh phí phân bón cho các loại cây trồng.
Hơn nữa, nguồn phân gà sinh học lại chứa nhiều dưỡng chất có lợi, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Từ hiệu quả trên, anh Thắng cho hay trong thời gian tới sẽ tiếp tục kết nối với nông dân, đặc biệt là nông dân khó khăn để có thể hỗ trợ kỹ thuật cũng như tạo sinh kế ổn định, giúp họ thoát nghèo.
Ông Trần Hiếu, Chủ tịch UBND thị trấn Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học của gia đình anh Thắng là hướng đi bền vững, phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường đồng thời tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân. Thông qua mô hình này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng để người dân học hỏi, áp dụng phát triển kinh tế gia đình”.