Từ ngày 23/5 đến 25/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có chuyến thăm và làm việc tại thủ đô Oasinhtơn (Mỹ) với nhiều cuộc gặp quan trọng với các quan chức, nghị sĩ và giới doanh nghiệp Mỹ, trong bối cảnh quan hệ thương mại, đầu tư và kinh tế giữa hai nước đã có những tiến bộ vượt bậc nhưng cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết.
Bưởi năm roi (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack, hai bên cùng cho rằng giao dịch hàng nông sản giữa hai nước tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2010, Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam 630 triệu USD nông sản, tăng 200% so với năm trước, trong khi hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 1,6 tỷ USD. Hai bên cũng nhất trí nông nghiệp là lĩnh vực nhiều tiềm năng cho thương mại và hai bên cùng có trách nhiệm thúc đẩy kim ngạch trong thời gian tới.
Trước mắt, Việt Nam và Mỹ sẽ mở cửa thị trường cho một số loại trái cây của nhau mà trong nước không có khả năng sản xuất do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Về việc nhập khẩu thịt bò của Mỹ vào Việt Nam, hai bên thống nhất sẽ tập trung giải quyết sớm các vướng mắc về kỹ thuật. Liên quan việc định nghĩa lại mặt hàng cá da trơn, Bộ trưởng Vilsack cho biết Mỹ đã tổ chức lấy ý kiến công khai và đề nghị Việt Nam góp ý trực tiếp qua kênh này, phía Mỹ sẽ đảm bảo quy trình được thực hiện một cách công khai, minh bạch.
Liên quan cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong các cuộc tiếp xúc với giới chức Mỹ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định việc Việt Nam là một đối tác đàm phán tích cực và có trách nhiệm. Tuy nhiên, ông nêu rõ Việt Nam cần một lộ trình để thực thi các tiêu chuẩn rất cao trong hiệp định này. Phía Mỹ chia sẻ khó khăn của Việt Nam và thể hiện việc sẵn sàng giúp Việt Nam về mặt kỹ thuật để nâng cao năng lực, đáp ứng quá trình đàm phán cũng như triển khai hiệp định sau này.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có nhiều cuộc tiếp xúc với đại diện doanh nghiệp Mỹ và giải đáp những câu hỏi, băn khoăn liên quan đến chính sách vĩ mô của Việt Nam, môi trường đầu tư, thủ tục hải quan và một số quy định mới liên quan tới quản lý giá, cấp giấy phép nhập khẩu tự động, và danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập nhẩu. Bộ trưởng khẳng định việc triển khai các chính sách này là nhằm ổn định vĩ mô, điều không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam.
Đỗ Thúy (P/v TTXVN tại Mỹ)