Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, M&A hiện đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Để làm rõ hơn về hiệu quả M&A trong năm 2023 và xu hướng năm 2024, phóng viên đã có trao đổi với Thứ trưởng Trần Duy Đông:
Thưa Thứ trưởng, những kết quả đạt được của thị trường M&A Việt Nam trong năm 2023 là gì?
Năm 2023 này đánh dấu một nửa chặng đường Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm (2021 - 2025). Qua nửa chặng đường đó, mặc dù chịu tác động bất lợi bởi các yếu tố không lường trước được, chưa có tiền lệ, nhưng Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đạt các kết quả cao nhất của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Cụ thể, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong hoạt động M&A, 10 tháng năm 2023, thị trường M&A Việt Nam đã có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, trung bình các thương vụ đạt giá trị 54,5 triệu USD.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá trị M&A giảm 23%. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đã có sự phòng thủ trong năm nay, nguyên nhân là do nền kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn. Dù vậy, trong giai đoạn khó khăn cũng là thời điểm thích hợp để nhiều doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại chiến lược của mình, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, tập trung tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng dài hạn hơn, bền vững hơn.
Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về khó khăn và thuận lợi khi thực hiện M&A tại Việt Nam?
Đầu năm nay, nhiều dự báo trên thế giới đều cho rằng, giá cả sinh hoạt đã đạt đỉnh, nhưng thực tế lạm phát đến thời điểm này vẫn là nỗi lo lớn nhất của nhiều nền kinh tế lớn. Trong khi cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết thì cuộc xung đột Israel - Hamas bùng nổ, làm trầm trọng thêm các mối lo ngại về sự bất ổn.
Trong khi đó, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng thấp, bao gồm cả các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Chưa kể, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn sự bất ổn về nguồn cung, nhất là các mặt hàng chiến lược như năng lượng, lương thực, chất bán dẫn; nguy cơ nợ công, rủi ro trên các thị trường tài chính - ngân hàng, bất động sản gia tăng tại một số nước.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư gia tăng, đặc biệt với việc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng tại một số quốc gia từ năm 2024, dự báo có khả năng dẫn đến những sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó dòng vốn thông qua kênh M&A.
Nhiều kết quả khảo sát của các tổ chức uy tín trên thế giới cho thấy, hoạt động M&A toàn cầu năm 2023 đang diễn ra không thuận lợi mà một trong những nguyên nhân chính là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không ngừng tăng lãi suất, khiến chi phí tài chính gia tăng và giá tài sản giảm. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, tổng số thương vụ M&A tính đến hết tháng 10 đã giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số thương vụ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 11,6%.
Nằm trong xu hướng chung, thị trường M&A Việt Nam cũng đang sụt giảm, đặc biệt so với mức đỉnh vào năm 2021 với tổng giá trị thương vụ hơn 10,8 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10/2023, theo ước tính của KPMG, tổng giá trị thương vụ của thị trường Việt Nam mới đạt hơn 4,4 tỷ USD, dự báo khó có thể đạt đến con số gần 6,8 tỷ USD của năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề trên, thị trường M&A Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội và triển vọng nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch bài bản để tìm kiếm đối tác chung tay cùng phát triển và M&A là một con đường được ưu tiên lựa chọn.
Một tín hiệu tích cực là chính các doanh nghiệp trong nước cũng đang nổi lên với tư cách bên mua, sẵn sàng tiếp quản tài sản của các doanh nghiệp đồng hương cũng như của nước ngoài để hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Cơ hội ngày một trở nên rộng mở để các bên tham gia tìm thấy điểm tựa chung, cùng chung tay đi đến thịnh vượng với sự ủng hộ, hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện.
Năm 2024, Chính phủ sẽ làm gì để có thể thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển, thưa Thứ trưởng?
Trong suốt thời gian qua, Chính phủ đã chủ động ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với những khó khăn, thách thức, bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước; đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; thực thi nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất là về tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thiết lập và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế dù chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với nhiều nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu.
Các động lực tăng trưởng về đầu tư gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công và đầu tư doanh nghiệp nhà nước, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Các điểm nghẽn tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ đã chuyển biến tích cực hơn, nhất là các vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa được đưa vào khai thác…
Các hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế cũng đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, mở ra cơ hội mới để thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như bán dẫn, hydrogen xanh, năng lượng tái tạo… tạo động lực tăng trưởng mới. Những cơ hội đến từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia tới việc đầu tư hình thành hệ sinh thái sản xuất chíp, chất bán dẫn, linh kiện máy bay, các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao, xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả trong trung và dài hạn.
Đây là những tiền đề, yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6,0 - 6,5%, như nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 mà Quốc hội vừa thông qua.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đã có 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nhấn mạnh, trong đó có việc tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia…
Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư; có cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, bảo đảm kết nối với khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng…; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, như tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, đồng thời tiết giảm chi phí tuân thủ, logistics, giải quyết các vướng mắc về đất đai, nhân lực, hạ tầng, bất động sản…
Trong đó, công tác xây dựng quy hoạch đang tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư - kinh doanh, có cả hoạt động M&A. Chính phủ Việt Nam cũng đang tiếp tục nghiên cứu để có phản ứng chính sách kịp thời và hiệu quả trước vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các khoản đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia. Hoạt động thoái vốn, tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước sau một thời gian bị chậm lại cũng sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới.
Việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo. Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!