Dịch chuyển từ “lượng” sang “chất”
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hoạt động M&A năm 2022 có sự trầm lắng hơn so với trước thời điểm dịch COVID-19, tuy nhiên các thương vụ M&A lại tăng về “chất” hơn về “lượng” do các nhà đầu tư có sự xoay chuyển từ “cơ hội” sang “chiến lược”. Đáng chú ý, có sự chuyển dịch của dòng vốn M&A từ các nhà đầu tư ngoại sang nhà đầu tư nội.
Khảo sát mới đây của KPMG cho thấy, hoạt động M&A trước đây chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng từ năm 2020, các công ty trong nước ngày càng tích cực M&A hơn. Điều này không chỉ bắt kịp về tốc độ mà các nhà đầu tư nội còn mở rộng tỷ trọng trong giá trị các thương vụ so với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại tuy giảm về lượng song tăng về chất trong các thương vụ M&A. Tiêu biểu là các nhà đầu tư Singapore, Mỹ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha (trong nhóm 5 nhà đầu tư hàng đầu thị trường M&A) đã đóng góp đến hơn 40% tổng giá trị thương vụ trong năm 2022.
Ông Steven Brown, Giám đốc bán hàng Định chế Việt Nam (Mirae Asset Securities) đánh giá, quy mô các thương vụ M&A ngày càng lớn và cơ hội giao dịch chưa bao giờ đa dạng như hiện nay. Trong đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm các lĩnh vực tài chính, y tế, sức khỏe… và sẵn sàng đầu tư. Với các nhà đầu tư Singapore, lĩnh vực sản xuất, bất động sản, thương mại bán buôn và bán lẻ được quan tâm hàng đầu.
Nhiều cái mới trong các thương vụ M&A
Theo nhận định của TS.Nguyễn Công Ái, có 3 yếu tố sẽ kích thích M&A tăng trưởng trong năm 2023 - 2024: Đó là làn sóng chuyển đổi số kết hợp đổi mới sáng tạo; sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong nước khiến thị trường tiêu dùng trở nên rất tiềm năng; xu thế “go green” - xanh hóa năng lượng của Việt Nam đang khiến “sân chơi” năng lượng trở nên hấp dẫn.
Do đó, TS.Nguyễn Công Ái cho rằng, thời gian tới sẽ là thời điểm cho các nhà đầu tư có sẵn tiền mua lại dự án hấp dẫn và giá phải chăng. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp khi lãi suất tăng lên, thanh khoản ít dần.
TS.Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư CTCP Chứng khoán VPS cùng quan điểm cho biết, hiện Việt Nam đang xuất hiện nhiều doanh nghiệp khó khăn, nhiều tài sản có giá trị bị bán tháo hoặc có nhiều doanh nghiệp nằm trong diện tái cấu trúc, thậm chí bị mua lại. Do đó, năm 2023 rất có thể sẽ là năm xuất hiện nhiều thương vụ M&A liên quan tới lĩnh vực tài chính, bất động sản, công nghệ, khoa học, hàng tiêu dùng và bán lẻ. Một số thương vụ M&A có thể liên quan tới Cholimex, Eximbank, KIDO…
Trong khi đó, theo TS.Nguyễn Công Ái, khi lãi suất và lạm phát được điều chỉnh hợp lý thì từ nửa cuối năm 2023, M&A sẽ bắt đầu hồi phục. Trong đó, chuyển đổi số, năng lượng sạch, thị trường tiêu dùng và nhận thức về ESG (môi trường - xã hội - quản trị) sẽ là những chủ đề chính cho hoạt động M&A trong tương lai tại Việt Nam.
Với những người mua, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, đang có nhiều nhà đầu tư mới sẽ tham gia M&A tại Việt Nam. Cụ thể, với mục tiêu thay đổi cơ cấu kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào dầu mỏ, các quỹ đầu tư ở Trung Đông đang đẩy mạnh đầu tư vào start-up, lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo đó, các nước đang phát triển, đạt tốc độ phát triển cao như Việt Nam sẽ điểm ngắm đến của các nhà đầu tư Trung Đông.