Mặt khác, cùng với lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đã tăng khoảng 31,18% so với năm 2017, một số doanh nghiệp đầu mối có tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 RON92 khá cao. Trong đó, có thể kể đến các đơn vị như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đạt khoảng 62,53%; Tổng công ty Dầu Việt Nam (50,15%); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt (47,7%)... Điều này, cho thấy từ khi triển khai kinh doanh đại trà trên toàn quốc ở giai đoạn đầu năm 2018 đến nay có tín hiệu khả quan về sức tiêu thụ xăng E5 RON92.
Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, hiện tại thị trường trong nước chỉ có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tùng Lâm là nhà cung cấp ethanol E100 cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để phối trộn xăng E5 RON92. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng đã nhập khẩu ethanol E100 để chủ động nguồn cung phục vụ phối trộn xăng E5 RON92.
Nhiên liệu sinh học đã được các nước trên thế giới sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước như Mỹ, Braxin, New Zealand… và đến nay có hơn 60 quốc gia sử dụng phổ biến. Ngoài ra, để đưa nhiên liệu sinh học vào sử dụng trong thực tế, các nhà khoa học trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu và đánh giá những tác động của loại nhiên liệu này đến động cơ, các chi tiết động cơ…
Còn ở Việt Nam, trong thời gian qua đã có một số nghiên cứu về khả năng tác động của nhiên liệu sinh học đến động cơ như Đại học Bách khoa Hà nội, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh… Trong đó, các kết quả chỉ ra rằng sử dụng nhiên liệu xăng sinh học an toàn với động cơ, tăng hiệu suất của động cơ, giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường…
Ông Steve Walk, đại diện Hội đồng Hạt Cốc Hoa kỳ cho biết, tại Hoa kỳ có trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethnol (E10) và sắp tới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ bán các loại nhiêu liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85… Xăng E10 giảm cặn/kết tủa ở động cơ và hệ thống nhiên liệu. Ethanol trộn trong xăng làm giảm các chất gây ô nhiễm, gồm: carbon monoxide, khí thải hydrocarbon và các hạt bụi, giảm hàm lượng benzen, hàm lượng lưu huỳnh của xăng, giảm đáng kể lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính (GHG).
Trên thực tế, ethanol hiện là thành phần duy nhất trong xăng giải quyết tất cả các vấn đề chất lượng không khí và biến đổi khí hậu thông qua giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt, tất cả các nhà sản xuất xe hơi đảm bảo các phương tiện đều có thể sử dụng xăng E10, đồng thời cũng được sử dụng an toàn và tiết kiệm cho xe mô tô.
Theo nghiên cứu về tác động của tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng đối với khí thải của phương tiện giao thông tại 5 thành phố lớn trên toàn cầu (Bắc Kinh, Mexico City, New Deli, Seoul và Tokyo là các thành phố phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng không khí) do Hội đồng Hạt Cốc Hoa Kỳ thực hiện đầu năm 2018, cho thấy việc pha trộn ethanol cao hơn sẽ làm giảm độc tố phát thải của phương tiện giao thông, GHG…
Tiến sĩ Steffen Mueller, nhà kinh tế học tại Đại học Hlinois, Chicago, Mỹ cho rằng, mọi hành động giúp giảm thiểu tác động của ô nhiễm sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong hiện tại và cho thế hệ tương lai. Trong đó, việc kết hợp ethanol với xăng mang lại lợi ích về sức khỏe, môi trường và kinh tế. Do đó, việc sử dụng xăng E10 thay cho xăng khoáng sẽ làm giảm tác hại đến môi trường, mang lại lợi ích trên nhiều khía cạnh cuộc sống.
Mục tiêu của Chương trình nhiên liệu sinh học tại Việt Nam là để thay thế một phần nhiên liệu hoá thạch truyền thống, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường như đã thể hiện tại Quyết định 177/2007/QĐ-TTg, ngày 20/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tại Thông báo số 255/TB-VPCP, ngày 6/6/2017 của Văn phòng Chính phủ, bên cạnh việc thay thế toàn bộ xăng khoáng RON92 bằng xăng E5 RON92, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu tiếp tục nghiên cứu triển khai xăng E10, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sử dụng của người dân.
Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON92 và xăng khoáng RON95, nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường. Đồng thời, thực hiện tốt các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm GHG, tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.