Lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh

Theo Cục Chăn nuôi, trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 2,7 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Chú thích ảnh
Khách hàng chọn mua thịt lợn tại quầy thịt ở siêu thị Coopmart Cần Thơ. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Trong số đó, sữa và sản phẩm sữa ước khoảng 926,4 triệu USD, tăng 10,9%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 1.125,5 triệu USD, tăng 28,6%. 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 8 tháng, nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 256,8 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 507,8 triệu USD, tăng 62,2% về lượng và tăng 83,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thịt gà đông lạnh đạt hơn 167,8 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 148,8 triệu USD, giảm 23,8% về lượng và giảm 26,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Lượng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh tiếp tục tăng nhanh, do các nước xuất khẩu lớn như EU, Brazil... dư thừa về sản lượng, có giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc giảm nhập khẩu.

Về xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong số đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 87 triệu USD, tăng 20,9%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 76 triệu USD, tăng 18,2%. Số liệu này chưa tính kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Về nhập khẩu các sản phẩm thịt tăng trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết do Việt Nam đã vào WTO, hội nhập mở rộng. Tuy nhiên, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Thú y cân nhắc vấn đề này để đảm bảo sản xuất trong nước có hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới. 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 9/2021, giá lợn hơi tại Trung Quốc trung bình tiếp tục giảm, ở mức tương đương 49.700 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc sẽ tiếp tục mua thịt lợn dự trữ để hỗ trợ giá cho người chăn nuôi. Trung Quốc đã mua hơn 50.000 tấn thịt trong tháng 7/2021. Dự báo năm 2022, sản lượng lợn hơi của Trung Quốc sẽ giảm 5% do trong năm 2021 giá lợn giảm và dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, dẫn đến việc giết mổ nhiều và việc tái đàn chậm trễ. 

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nước này vừa hạ mục tiêu quy mô đàn lợn nái trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thịt lợn, đạt khoảng 41 triệu con trong giai đoạn 2021 – 2025 và sẽ không thấp hơn 37 triệu con.

Theo báo cáo của USDA, tại Mỹ giá thịt lợn giao kỳ hạn vào mùa thu và mùa đông đang cao hơn so với giá giao ngay. Trong tháng 9/2021 giá thịt lợn tăng do nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn vì giá thịt bò cao và nguồn dự trữ thịt lợn đông lạnh hạn hẹp, nguồn cung thịt lợn vào mùa thu dự báo giảm 3%, dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

USDA dự báo sản lượng thịt lợn của EU năm 2021 tiếp tục tăng. Trong khi xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc và Anh đang giảm, thì xuất khẩu sang các thị trường châu Á tăng như Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, USDA dự báo năm 2022 sản lượng thịt lợn của EU sẽ giảm do giá thịt giảm và nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi ở Trung Âu.

Bích Hồng (TTXVN)
Nghịch lý giá thịt lợn mùa dịch
Nghịch lý giá thịt lợn mùa dịch

Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao, thậm chí một số nơi còn tăng hơn so với thời điểm trước dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN