Lợi nhuận của Vietjet Air sụt giảm sau soát xét

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet - Vietjet Air (mã chứng khoán: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2020 với lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng, giảm 36% so với báo cáo tự lập của doanh nghiệp.

Báo cáo hợp nhất bán niên sau soát xét cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet Air đạt 10.970 tỷ đồng, giảm 10% so với báo cáo tự lập và giảm 55% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của công ty, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu và ngành hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nhu cầu đi lại sụt giảm. Ngành hàng không Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Chú thích ảnh
Máy bay của hãng hàng không Vietjet cất cánh tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Vietjet Air đã tạm dừng khai thác toàn bộ các chuyến bay thường lệ quốc tế trong tháng 4 và cắt giảm các chuyến bay nội địa. Dù vậy, Vietjet Air vẫn nỗ lực đạt 300 chuyến bay chuyên dụng cho hàng hóa và thực hiện gần 43.000 chuyến bay trong 6 tháng đầu năm 2020.

Kết quả báo cáo soát xét từ Công ty kiểm toán PWC, doanh thu vận tải hàng không (công ty mẹ) của Vietjet Air đạt 9.228 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ 1.440 tỷ đồng (lỗ ít hơn 672 tỷ đồng so với báo cáo tự lập), tương ứng giảm 54% và 216% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hợp nhất đạt 10.970 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 47 tỷ đồng, tương ứng giảm 55% và 98% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo soát xét có sự chênh lệch lợi nhuận công ty mẹ so với báo cáo tự lập là do Vietjet Air được giảm 50% chi phí hạ cánh, chi phí phục vụ mặt đất và chi phí điều hành bay theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị ban hành Thông tư quy định mức giá, khung giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không trong giai đoạn COVID-19. Đồng thời, Vietjet Air thực hiện giảm phần trích lập dự phòng quỹ bảo trì, bảo dưỡng và tối ưu hóa các chi phí khai thác, vận hành theo giờ bay.

Kết quả hợp nhất có doanh thu thương mại tàu bay của doanh nghiệp giảm 10% do thời gian nhận tàu chuyển sang quý IV/2020, tương ứng lợi nhuận hợp nhất giảm 27 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Khi thị trường nội địa có dấu hiệu phục hồi trở lại, lượng hành khách gia tăng đáng kể, Vietjet Air đã thực hiện 300 chuyến bay mỗi ngày trong tháng 6 để cải thiện kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, Vietjet Air chuyển nhượng tài sản cho các nhà đầu tư nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.

Trong thời gian tới, Vietjet Air tiếp tục tập trung vào các giải pháp phát triển công nghệ thông tin, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hoạt động như chương trình bảo hiểm xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp phù hợp với tình hình kinh doanh hiện tại, tối ưu hóa nguồn lực và triển khai các giải pháp gia tăng nguồn thu khác.

Văn Giáp (TTXVN)
Cục Hàng không Việt Nam nói gì về việc cho phép Vietjet Air tăng biên độ thời gian làm việc cho phi công
Cục Hàng không Việt Nam nói gì về việc cho phép Vietjet Air tăng biên độ thời gian làm việc cho phi công

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong ngày 26/6, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải thông tin về việc Cục Hàng không Việt Nam cấp nhân nhượng số 2019-06-15/VJC-15.027, cho phép Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air tạm thời tăng biên độ khoảng thời gian áp dụng từ 28 ngày lên 56 ngày và đảm bảo người lái tàu bay (phi công) không vượt quá 200 giờ bay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN