Sau khi phát điện, ngoài tạo ra nguồn điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt thì sản lượng điện dư thừa sẽ được ngành điện mua lại tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho chủ đầu tư.
Sau thời gian nghiên cứu và được sự tư vấn của ngành điện, từ năm 2017, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đắk Lắk đã bắt đầu lắp hệ thống điện mặt trời áp mái cho hệ thống 5 cửa hàng. Tổng công suất lắp đặt khoảng 86 MWp, với số vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng. Đến nay, việc lắp đặt đã hoàn thành và phát điện, các thông số kỹ thuật ổn định.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đắk Lắk cho biết, trước đây, mỗi tháng đơn vị phải trả gần 50 triệu đồng tiền điện để phục vụ cho hoạt động của chuỗi các cửa hàng. Mặc dù đã áp dụng nhiều hình thức tiết kiệm điện như hạn chế sử dụng điều hòa, sử dụng bóng đèn có công suất nhỏ... nhưng tiền điện hàng tháng giảm không đáng kể, ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận hàng năm. Tuy nhiên sau khi đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái công ty đã chủ động được nguồn điện trong kinh doanh, thậm chí hàng tháng còn dư thừa bán cho điện lực.
“Riêng đợt thanh toán vừa rồi, công ty đã nhận được 240 triệu đồng từ bán điện dư thừa cho điện lực”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng tính toán, với sản lượng điện sản xuất như hiện nay, công ty chỉ mất khoảng gần 5 năm để hoàn vốn đầu tư. Thời gian khai thác về sau (đến hết tuổi thọ của pin), công ty sẽ không phải mua điện lại có thêm khoản lợi nhuận từ bán điện dư thừa.
Tương tự, gia đình anh Trần Quốc, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 4,8 kWp vào cuối năm 2018 với chi phí 100 triệu đồng, sản lượng điện trung bình đạt 20-25 kWh/ngày. Trước đây, tiền điện hằng tháng của gia đình anh luôn ở mức trên 3 triệu đồng/tháng. Từ khi hệ thống đi vào hoạt động, chi phí tiền điện hằng tháng của gia đình giảm được 50%.
Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, đến cuối tháng 6 toàn tỉnh có 144 khách hàng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất đặt 12MWp; trong đó, một số khách hàng có công suất lắp đặt lớn như: Công ty cổ phần đầu tư Xây Dựng và Kinh Doanh chợ Buôn Ma Thuột có công suất 438 kWp; Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đắk Lắk công suất 86 kWp.
Thực tế cho thấy, việc phát triển điện mặt trời áp mái nhà đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho chủ đầu tư. Nhiều đơn vị, hộ gia đình sản lượng điện sản xuất hàng ngày dùng không hết đã đấu nối phát lên lưới, được ngành điện mua lại tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể. Hiện ngành điện Đắk Lắk đang mua điện dư thừa của 32 khách hàng với tổng số tiền đã thanh toán gần 600 triệu đồng.
Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty Điện Lực Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là một trong những địa phương có tiềm năng về điện mặt trời rất lớn, với cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt 5kWh/m2/ngày, tiềm năng phát triển điện mặt trời có thể đạt đến 95 GWh/năm. Trước những lợi ích trong sử dụng nguồn năng lượng này, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở chính của công ty và tiếp tục triển khai đến các Điện lực trực thuộc. Đồng thời, đơn vị cũng tích cực tuyên truyền lợi ích của điện mặt trời trên mái nhà và vận động khách hàng lắp đặt; trong đó, công ty chú trọng vào các khách hàng ở các khu vực có tiềm năng lớn như Ea Súp, Buôn Đôn.
Mặt khác, Công ty Điện lực Đắk Lắk cam kết thực hiện tư vấn và hỗ trợ hết mức cho khách hàng về công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng kỹ thuật của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trước khi đưa vào vận hành. Người dân có nhu cầu đầu tư điện mặt trời áp mái sẽ được ngành Điện hướng dẫn cụ thể về thủ tục, thỏa thuận vị trí đấu nối công trình và phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Khi công trình hoàn thành, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật theo thiết kế, sẽ được nghiệm thu, chủ đầu tư và ngành Điện thực hiện ký hợp đồng mua bán điện, lắp đặt công tơ hai chiều để đo đếm sản lượng tiêu thụ, sản lượng phát lên lưới. Hằng tháng, ngành Điện sẽ ghi nhận sản lượng điện giao nhận và trả tiền với sản lượng điện dư thừa.
Theo ông Lê Hoài Nhơn, hiện nay, tỷ suất đầu tư ban đầu của điện mặt trời dao động từ 15-30 triệu đồng/kWp (tùy thuộc chất lượng, tuổi thọ của thiết bị). Với công suất 1 kWp, mỗi ngày sẽ sản xuất được sản lượng điện 5-6 kWh, với số giờ nắng trung bình tại Đắk Lắk là 4,5-6 giờ/ngày. Vì vậy, tùy vào diện tích lắp đặt, nhu cầu sử dụng mà các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình mà đầu tư phù hợp. Trước khi đầu tư, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về chi phí, chất lượng, tuổi thọ thiết bị và hiệu quả công trình vì công suất nguồn năng lượng mặt trời phụ thuộc theo điều kiện thời tiết và một số yếu tố khác. Thời gian thu hồi vốn của các công trình điện mặt trời áp mái khoảng 10 năm, nếu đầu tư với công suất lớn thì suất đầu tư sẽ giảm và thiết bị đạt hiệu suất lớn, thời gian hoàn vốn là 8 năm.
“Mới nhìn vào tỷ suất đầu tư 1KWp thì thấy cao, nhưng tính thời gian khai thác thì việc đầu tư rất hiệu quả. Bởi sau khi hoàn vốn, chủ đầu tư sẽ được sử dụng điện miễn phí, giảm chi phí rất lớn trong sản xuất, sinh hoạt do tuổi thọ của các tấm pin mặt trời thể kéo dài khoảng 20 – 22 năm”, ông Nhơn khẳng định.
Hiện nay, đầu tư phát triển năng lượng mặt trời; trong đó, có điện mặt trời áp mái đang được nhà nước khuyến khích. Đây là giải pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư, vừa góp phần giảm sức ép cho ngành điện. Trong bối cảnh giá điện mới được điều chỉnh tăng lên, điện mặt trời áp mái sẽ càng có hiệu quả hơn.