Với Hà Nội, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn của cả nước thì kinh tế ban đêm mang lại nhiều lợi ích kép và đã được chứng minh trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, thành phố đang tập trung thúc đẩy hoạt động kinh tế ban đêm, vừa hình thành loại hình du lịch độc đáo, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Mở ra nhiều cơ hội
Với sự ra đời của hàng loạt không gian đi bộ, ẩm thực, dịch vụ, cùng các tour du lịch đêm trong thời gian gần đây đã phần nào cho thấy Hà Nội đang chủ động khai thác lợi thế để thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển. Một tín hiệu tốt là khi đưa sản phẩm kinh tế ban đêm vào hoạt động, người dân hồ hởi đón nhận, nguồn thu của các địa phương vì thế cũng tăng trưởng cao.
Đến phố cổ Hà Nội vào những tối cuối tuần sẽ thấy sự sôi động của khu vực này khi rất đông khách đến tham quan, mua sắm, ăn uống. Các con phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân… đều chật kín người. Thậm chí, nơi này hình thành những biệt danh như “ngã tư quốc tế” Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, hay phố bia Tạ Hiện, phố nướng Gầm Cầu, phố hoa quả dầm Tô Tịch, phố ẩm thực Tống Duy Tân…
Hoạt động kinh doanh tại đây chủ yếu là ăn uống, khách sạn, bar, karaoke, biểu diễn nghệ thuật (dịp cuối tuần), hàng tiêu dùng… Cùng đó, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm được đưa vào hoạt động cũng góp phần tạo chuyển biến kinh tế của quận Hoàn Kiếm. Chỉ tính riêng ba năm đầu đưa phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào hoạt động (2016-2019), lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh với mức tăng từ 13 – 22,8% mỗi năm. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận năm sau cao hơn năm trước...
Năm nay, ngay khi đưa không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào hoạt động, địa điểm này thu hút rất đông du khách. Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm – Thành cổ Sơn Tây, trung bình mỗi ngày phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đón khoảng 1 vạn khách, ngày cao điểm khoảng 1,5 vạn khách.
Ngoài hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây còn có các dịch vụ ẩm thực; giới thiệu hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây. Các gia đình nằm trong khu vực này vẫn có thể mở cửa kinh doanh những mặt hàng hiện có. Những hoạt động này cũng góp phần tăng nguồn thu cho kinh tế của thị xã.
Các sản phẩm du lịch đêm khác như: Tour du lịch “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, “Đêm thiêng liêng: Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” của Khu du lịch Tuần Châu - Quốc Oai… bắt đầu được đông đảo du khách biết tới.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, sau khi tái khởi động trở lại, từ dịp lễ 30/4 - 1/5 đến nay, tour đêm Hoàng thành Thăng Long thu hút được 4.000 khách, trung bình mỗi tối thu hút được 100 khách.
Tạo thêm giá trị cho hoạt động kinh tế đêm
Kinh tế ban đêm là một phần tất yếu của nền kinh tế mà Hà Nội đã khai thác từ trước đó. Các hoạt động kinh tế ban đêm hiện nay chủ yếu tập trung vào phát triển du lịch, bao gồm: ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa buổi tối... Khu vực kinh tế ban đêm đã mang lại những giá trị lớn, thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội; tạo giá trị thặng dư và góp phần thu hút ngoại tệ.
Mặc dù hiện diện từ lâu nhưng vẫn chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. Theo các chuyên gia, trước mắt cần tiếp tục thí điểm phát triển kinh tế ban đêm ở những khu vực có tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch; hình thành không gian nhằm phục vụ phát triển kinh tế đô thị, kinh tế đêm.
Hiện thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với phạm vi hoạt động chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ như: văn hóa, vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe; hoạt động du lịch, vận chuyển; hoạt động tài chính, ngân hàng bổ trợ cho hoạt động kinh tế đêm.
Dự thảo đề án xác định 6 không gian tạo động lực phát triển kinh tế ban đêm gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong khu Phố cổ; không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại; tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống.
Bên cạnh đó, một loạt không gian đi bộ cũng đang chuẩn bị hình thành. Đó là: Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, quận Ba Đình; khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng; tuyến phố đi bộ tại dự án Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 - Bitexco, quận Hoàng Mai.
Cùng đó, thành phố cũng có chủ trương phát triển không gian đi bộ Khu đô thị Bắc An Khánh- Splendora, huyện Hoài Đức; không gian đi bộ xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Nếu các không gian này đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn du khách và góp phần phát triển thương mại, dịch vụ cho các khu vực quanh đó.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: “Chúng ta cần có định hướng phát triển tại các địa bàn có nhu cầu và địa bàn du lịch, nhằm tránh ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư và gây khó khăn trong bảo đảm an ninh trật tự”.
Về lâu dài, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, cần quy hoạch không gian xây dựng cho hoạt động về đêm (khu vực chợ đêm, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội, tổ chức phiên chợ quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Thủ đô...). Đồng thời, thành phố cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý. Các đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo an ninh trật tự đối với các cơ sở kinh doanh về đêm.
Thành phố cũng cần quy định điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm, bổ sung nhân lực cho các lực lượng chức năng đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động kinh doanh ban đêm. Như vậy, sẽ đảm bảo song hành cả yếu tố phát triển và quản lý tốt hoạt động của kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố.