'Lộc trời' mùa nước nổi

Hơn 1 tháng qua, tỉnh Đồng Tháp nới lỏng giãn cách xã hội, việc lưu thông nội tỉnh dễ dàng hơn nên người dân tranh thủ ra đồng đánh bắt thủy sản mùa nước nổi bằng nhiều cách như: Giăng câu, giăng lưới, kéo lưới, đặt lờ, đặt lợp, đặt dớn…

Hiện nay, con nước lũ tràn về các cánh đồng ở những địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp như huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, thành phố Hồng Ngự. Trên những đồng nước mênh mông lại trở nên nhộn nhịp với hoạt động đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. Bằng nhiều cách khác nhau, người dân tất bật đánh bắt được nhiều loại như tôm, cua, cá, tép…, giúp bà con vùng lũ có thêm thu nhập. 

Chú thích ảnh
 Mỗi mẻ lưới, anh Huỳnh Văn Luân (huyện Tân Hồng) bắt được hơn 10kg cá các loại. 

Từ sáng sớm, trên cánh đồng ngập nước ở phường An Bình B (thành phố Hồng Ngự), hơn 10 ngư dân kéo lưới bắt cá lòng tong. Với công cụ là đoạn lưới dài 60m, vợ chồng anh Huỳnh Văn Luân trú xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng đã ra đồng bắt cá lòng tong hơn 20 ngày nay.

Gia đình nghèo không có đất sản xuất, gia đình anh sống chủ yếu dựa vào nghề làm thuê. Nước lũ về, đồng nghĩa với việc làm thuê của vợ chồng anh Luân ngày càng ít đi. Do vậy, nghề bắt cá trong mùa nước nổi giúp vợ chồng anh có thêm thu nhập.

Anh Luân chia sẻ, mỗi ngày, anh bắt được khoảng 50kg cá lòng tong, giá bán 10.000 đồng/kg. Dù không khấm khá nhưng tiền bán cá cũng giúp gia đình anh đủ trang trải cuộc sống trong mùa lũ.

Theo nhiều bà con ở vùng đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, mùa lũ thường từ đầu tháng 8 đến tháng 10 âm lịch hàng năm. Năm nay nước lũ về chậm và lượng thủy sản trong tự nhiên giảm hơn 30% so với năm trước. Việc mưu sinh mùa nước nổi bị gián đoạn suốt nhiều ngày vì người dân phải ở nhà để phòng dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
 Đặt dớn là phương thức bắt cá khá phổ biến trong mùa nước nổi ở Đồng Tháp.

Hơn 1 tháng qua, tỉnh Đồng Tháp nới lỏng giãn cách xã hội, việc lưu thông nội tỉnh dễ dàng hơn nên người dân tranh thủ ra đồng đánh bắt thủy sản bằng nhiều cách như: giăng câu, giăng lưới, kéo lưới, đặt lờ, đặt lợp, đặt dớn… Việc này vừa giúp cải thiện bữa cơm gia đình, vừa mang về thu nhập, giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Ông Trần Văn Hận ngụ phường An Bình A, thành phố Hồng Ngự có hơn 20 năm hành nghề đặt dớn mùa lũ. Đặt 4 cái dớn, mỗi ngày ông Hận thu hoạch gần 20kg cá các loại, bán được trên 200.000 đồng.  

Ông Hận tâm sự: “Gắn bó với nghề mấy chục năm nên nó như “ăn vào máu” không bỏ được. Năm nào cũng vậy, đến cuối tháng 7 âm lịch là tôi cứ mong ngóng con nước về. Vì khi con nước tràn đồng sẽ mang theo nhiều sản vật mùa nước nổi. Dẫu biết rằng nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên lắm cơ cực và bấp bênh nhưng dân nghèo như ông không còn sự lựa chọn khác”.

Bên cạnh các sản vật như: tôm, cua, cá, tép…, một nguồn lợi thủy sản khác cũng giúp mang về nguồn thu đáng kể trong mùa lũ là thu hoạch trứng nước. Loài giáp xác này được người dân bắt để bán làm thức ăn cho cá giống, cá kiểng với giá 2.000 đến 8.000 đồng/kg.

Năm nay, nước lũ thấp nên trứng nước xuất hiện khá nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân còn hạn chế trong việc đi lại giữa các tỉnh nên thị trường tiêu thụ trứng nước mùa này gặp khó khăn, chủ yếu chỉ tiêu thụ trong tỉnh.

“Suốt gần 20 ngày nay, mỗi ngày, vợ chồng tôi đi kéo trứng nước từ 1 giờ khuya đến 6 giờ sáng, thu được 300kg trở lên. Tuy giá bán khá thấp nhưng sau khi trừ chi phí, cũng còn lời từ 400.000 đến 500.000 đồng/ngày” - anh Nguyễn Văn Ga ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự cho hay.

Chú thích ảnh
Cá lòng tong tươi được bán với giá 10.000 đồng/kg.

Mùa nước lũ là mùa mưu sinh của những bà con ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp. Năm nay, lũ về đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ít nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bà con cảm thấy còn may mắn vì địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội, còn kịp để được trở lại với nghề câu, lưới trên những cánh đồng ngập nước, dù thời gian của mùa lũ năm nay không còn nhiều.

Bài và ảnh: Nhựt An (TTXVN)
'Ngón nghề' nuôi nhử cá đồng mùa nước nổi
'Ngón nghề' nuôi nhử cá đồng mùa nước nổi

Người nông dân “vùng rốn lũ” Đồng Tháp tận dùng lợi thế mùa nước nổi để thực hiện mô hình sinh kế dẫn dụ và nuôi trữ cá đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN