Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều dự thảo nghị định có thể sẽ gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp bởi sẽ có thêm nhiều quy định mới.
“Cài cắm” nhiều điều kiện mới
Theo ông Vũ Tiến Lộc, điều 14.2 của Hiến pháp khẳng định, mọi người đều có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Điều 7.1 của Luật Đầu tư 2014, thêm lần nữa khẳng định và cụ thể hóa, chỉ có 267 ngành nghề kinh doanh mới quy định điều kiện. Đó là các ngành nghề kinh doanh liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Còn lại các ngành nghề kinh doanh khác mọi đối tượng đều có quyền kinh doanh và các bộ, ngành, địa phương không được tùy tiện đặt ra các điều kiện kinh doanh nào khác. Luật Đầu tư 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, tại điều 7.5 cũng đã quy định rõ: Các bộ, địa phương không được ban hành điều kiện kinh doanh. Nhưng trên thực tế, các bộ, địa phương vẫn ban hành. Chính vì vậy mà hiện có tới gần 3.000 điều kiện kinh doanh tồn tại, được ban hành không đúng thẩm quyền.
Người dân nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại Văn phòng một cửa, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại B1, khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy (Hà Nội). |
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, từ 1/7/2015 đến 30/5/2016 là thời gian khá dài để các bộ, địa phương rà soát các văn bản quy định trái luật và có phương án xử lý nhưng tiến độ triển khai rất chậm. Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không lùi, hoãn tiến độ bãi bỏ các “giấy phép con”, các bộ, địa phương mới cuống quýt làm. Hiểu rõ hoàn cảnh “nước đến chân mới nhảy” của các bộ, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép rút gọn về trình tự, thủ tục trình các nghị định về điều kiện kinh doanh (Thông báo 66/TB - VPCP, ngày 27/4/2016). Nhưng trong thông báo 66 lưu ý, các bộ, địa phương vẫn phải đảm bảo chất lượng và lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh. Nhưng ông Đậu Tuấn Anh cho biết, các bộ, địa phương vẫn xây dựng nghị định theo “tiêu chuẩn 8 không”: Không đăng dự thảo lên mạng; không gửi lấy ý kiến doanh nghiệp; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động của các văn bản quy định điều kiện kinh doanh; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không bản thuyết minh; không bản giải trình, tiếp thu ý kiến. Chính vì vậy, nhiều dự thảo nghị định không những không giúp cải thiện điều kiện kinh doanh mà còn bị “cài cắm” thêm nhiều điều kiện mới.
Dẫn ví dụ về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm, ông Tuấn cho biết, ngoài việc đưa các quy định của thông tư lên nghị định, dự thảo còn bổ sung thêm các điều kiện đăng ký kinh doanh khác như có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất... Với quy định này, ông Tuấn đặt vấn đề, liệu có cần thiết phải có các điều kiện trên mới được kinh doanh mũ bảo hiểm, hay chỉ cần bảo đảm chất lượng mũ? Quy định này sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Hoặc Dự thảo Nghị định về ngành nghề an ninh, trật tự, trong đó quy định lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ: “Người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề y tư nhân phù hợp với yêu cầu của ngành, nghề kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ”. Với quy định này, ông Tuấn cho rằng, người đứng đầu có thể chỉ cần giỏi kinh doanh, quản trị, điều hành doanh nghiệp, không nhất thiết phải biết quá sâu về chuyên môn. Chỉ người trực tiếp phẫu thuật thẩm mỹ mới cần bảo đảm chuyên môn, có chứng chỉ. Điều tương tự này cũng được quy định với lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đó là chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản phải nắm vững kiến thức pháp luật về khoáng sản và các tiêu chuẩn, quy trình, kỹ thuật về thăm dò khoáng sản, có khả năng tổ chức triển khai tuần tự các hạng mục công việc của đề án thăm dò... “Tiêu chí nào để biết một người có nắm vững kiến thức hay không? Có khả năng tổ chức triển khai dự án hay không”, ông Tuấn nói.
Giải pháp loại bỏ bớt rào cản
Theo chuyên gia Bộ Tư pháp, TS Nguyễn Am Hiểu, Trọng tài viên VIAC, trên thực tế, không ngành nghề kinh doanh nào là không cần điều kiện, nhưng vấn đề của các nhà làm luật là tìm ra các loại hình kinh doanh cần điều kiện như Hiến pháp hay các luật đã nêu. Còn các loại hình kinh doanh khác hãy để thị trường tự điều tiết. Ví như kinh doanh mũ bảo hiểm. Tôi có công nghệ, nhưng không có nhà xưởng, hệ thống phân phối thì đi thuê. Nước ngoài họ cũng làm vậy, chứ quy định thế thì loại hết doanh nghiệp mới.
Để điều kiện kinh doanh không là rào cản, ông Đậu Tuấn Anh cho rằng, cách làm hiệu quả nhất vẫn là cơ quan soạn dự thảo nghị định ngoài việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp lớn phải lấy ý kiến của doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp này mới phải đối mặt với nhiều rào cản trong các quy định. Thứ hai, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động của các quy định về điều kiện kinh doanh đến chi phí, khả năng gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới. Cụ thể là phải lượng hóa xem sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp đang tồn tại đáp ứng được quy định mới.
Chia sẻ nguy cơ nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh lại bị xuất hiện trong các dự thảo nghị định mới, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đang phải gấp rút lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để tổng hợp và kiến nghị Chính phủ loại bỏ nguy cơ xuất hiện các rào cản mới. “Hy vọng tới đây, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội sẽ phát hiện những bất hợp lý trong các quy định về điều kiện kinh doanh hiện hành cũng như trong quá trình dự thảo, để kiến nghị Chính phủ loại bỏ ngay trước 1/7”, ông Lộc nói.
Theo Ban Pháp chế VCCI, sẽ có tổng số 49 nghị định mới về điều kiện kinh doanh được ban hành. Đến nay đã trình Chính phủ 38 nghị định, 11 nghị định chưa trình. Các bộ, địa phương chỉ gửi 24/49 nghị định về VCCI để lấy ý kiến. (Nguồn: Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) |