Lo ngại bị phong toả
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại chợ Kiến Thiết (thành phố Thủ Đức) vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 6/7, rất đông người dân đã tập trung mua các mặt hàng thiết yếu. Theo những người đến mua hàng, do lo ngại TP Hồ Chí Minh sẽ phong tỏa thêm nhiều chợ trong thời gian tới để phòng dịch nên nhiều người tranh thủ đến đây mua tích trữ. Vì lượng người mua khá đông nên các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh tại chợ này đã được bán hết một cách nhanh chóng.
Chị Đỗ Mỹ Quyên, ngụ ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, cho biết: "Tôi tranh thủ đi mua gạo, mì gói và ít thực phẩm để dùng dần trong chiều nay. Tuy nhiên, khi đến chợ Kiến Thiết, các mặt hàng rau củ, thịt cá đã được bán gần hết, tìm mãi chỉ còn 1-2 cửa hàng thực phẩm còn hàng để bán".
Nhiều tiểu thương cũng bất ngờ khi không hiểu trong chiều nay, lượng khách đi chợ tăng đột biến khiến các cửa hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống cũng được bán hết nhanh chóng.
Tương tự, tại một cửa hàng Bách hóa Xanh trên đường Đình Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức) cũng có khá đông người dân vào mua. Các gian hàng rau, củ gần như không còn hàng, khu vực kệ trưng bày mì gói, đồ thực phẩm khô cũng không còn nhiều. Dọc các sạp thịt, cá tươi sống cũng còn ít do lượng khách hàng đến mua khá đông.
Trước đó ngày 5/7, UBND thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng đã có quyết định áp dụng Chỉ thị 16 để thiết lập phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch COVID-19 đối với toàn bộ phường Tân Phú. Quyết định có hiệu lực từ 0 giờ ngày 6/7 trong phạm vi toàn bộ phường Tân Phú (không bao gồm phần diện tích Khu công nghệ cao) gồm 6 khu phố, 47 tổ dân phố với diện tích 351 ha, dân số hơn 12.000 hộ với gần 354.00 nhân khẩu.
Sau khi thông tin được thông báo, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn phường cũng đã đổ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu về tích trữ. Tại các cửa hàng tiện lợi ở cuối đường Lê Văn Việt (thuộc phường Tân Phú), người dân chen nhau đến mua, chủ yếu là các nhu yếu phẩm.
Hàng hóa không thiếu
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi, đánh giá nhu cầu tiêu dùng của người dân và khả năng cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối cũng như nguồn cung ứng từ các tỉnh, có thể khẳng định nguồn hàng hóa của TP Hồ Chí Minh vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Hiện Sở Công thương đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn bị phong toả. Ngoài ra, Sở Công thương cũng đang phối hợp các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa thông qua triển khai các chương trình Siêu thị mini 0 đồng, Chợ nghĩa tình... để đem hàng hóa đến tận tay cho người dân.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, sau khi 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn và chợ nông sản Thủ Đức) tạm đóng cửa, Sở đã thông tin đến Sở Công thương của 22 tỉnh, thành khu vực Đông và Tây Nam Bộ về việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối, đồng thời đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại 3 chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ mà tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống trên địa bàn để nguồn hàng không đứt gãy.
Để hoạt động mua bán hàng hóa đảm bảo các biện pháp an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND thành phố Thủ Đức, các quận - huyện, Ban quản lý các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các thương nhân, nhân dân trên địa bàn chuyển sang các hình thức giao dịch khác như: tổ chức bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, bán hàng theo đơn đặt hàng… và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong hoạt động mua bán.
Tương tự, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, hệ thống Saigon Co.op cũng dự kiến tăng lượng thịt lợn cho hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food lên gần gấp đôi sau khi các chợ đầu mối tạm đóng cửa.
Theo đó, Saigon Co.op đã làm việc và đặt hàng để các đơn vị cung cấp thịt chủ động có kế hoạch giết mổ, đảm bảo nguồn cung cấp theo kế hoạch. Trong đó, các nhà cung cấp Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy... đang chạy hết công suất và sẵn sàng giao bổ sung nhiều chuyến trong ngày cho các siêu thị của Saigon Co.op.
Theo đại diện Saigon Co.op, do chủ động nguồn cung khá phong phú nên giá thịt lợn trong giai đoạn này tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food ổn định và có xu hướng giảm nhẹ, trước mắt giảm 3.000 đồng/kg theo duyệt giá của các cơ quan ban ngành, chưa kể các siêu thị còn chủ động thực hiện khuyến mãi.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã sẵn sàng một trữ lượng lớn các loại thịt mát, thịt đông lạnh và hàng loạt các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản để kịp thời bổ sung thay thế, can thiệp, ổn định giá cả thị trường khi sức mua tăng cao.