Hai loại gạo được xuất khẩu trong lô hàng này là gạo thơm Jasmine 85 và gạo thơm Hương Lài; trong đó, 450 tấn gạo Jasmine 85 sẽ đi thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài sẽ được Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn. Đây là mức giá rất cao - ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An chia sẻ.
Bên cạnh lô hàng nói trên, Công ty Trung An còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn chuẩn bị được xuất sang Đức. Theo ông Phạm Thái Bình, năm 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành gạo Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là về giá trị. Tuy khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không tăng so với năm 2019 nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng hơn 9%.
Ngay trong những ngày đầu năm 2021, nhiều công ty thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam; trong đó có Công ty Trung An đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt là với thị trường châu Âu và một số thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Việt Nam vừa ký kết vào ngày 15/11/2020.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Malaysia và Singapore là hai thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa tích cực ngay sau khi chúng ta ký kết Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, năm 2020, gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, đặc biệt giá gạo liên tục tăng đã đánh dấu mức tăng lịch sử trong khoảng một thập kỷ qua. Bộ luôn ủng hộ các doanh nghiệp, địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn.
Thời gian tới, các doanh nghiệp cần quan tâm phát triển sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường; tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan từ hiệp định tự do hóa thương mại hiện nay đối với các mặt hàng nông sản. Doanh nghiệp cần cùng với nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… để mở rộng thị trường - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 6,15 triệu tấn với giá trị ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng 9,3% về giá trị mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ và cao hơn năm 2020 với sản lượng tương đương, VFA đã đề ra một số giải pháp để phát triển thị trường. Tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, VFA đã xây dựng các kênh chào hàng trực tuyến cũng như tham gia các hội thảo về thương mại theo hình thức trực tuyến để phát triển ngành hàng gạo.
Các sản phẩm cũng sẽ tập trung vào nhưng loại chất lượng cao, đang có kết quả xuất khẩu tốt; phát triển thị trường gạo chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể gia nhập những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Canada…