Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo

Chiều 17/11, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan gặp gỡ doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình thuận lợi, khó khăn và có hướng hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Công ty Lương thực Đồng Tháp phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trình bày những khó khăn gặp phải trong bối cảnh hiện nay. Giá lúa gạo nguyên liệu đầu vào tăng cao, kéo theo việc doanh nghiệp phải chịu áp lực tăng giá gạo xuất khẩu; mối liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ.

Doanh nghiệp còn khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư sản xuất và xuất khẩu gạo; cơ sở hạ tầng phục vụ việc vận chuyển lúa gạo cũng như logistics chưa được đồng bộ nên tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo còn chịu nhiều loại thuế, phí…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, phản ánh từ doanh nghiệp giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn thực tế hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng như nông dân rất phấn khởi khi thời gian gần đây giá lúa gạo tăng, xuất khẩu mạnh sang các nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó vẫn có nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Ông Lê Quốc Phong yêu cầu, các sở, ngành và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ, phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp, giúp giữ được sự ổn định của vùng lúa nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gạo.

Các ngân hàng cần nghiên cứu, tiết giảm trình tự thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu gạo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, toàn tỉnh có 17 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu. Trong 10 tháng của năm 2023, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 449.393 tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2022; kim ngạch ước đạt 265,56 triệu USD, tăng 41,38% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 15% so với kế hoạch năm 2023. Dự kiến năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của tỉnh ước đạt 584.142 tấn, tăng 41,37% so với năm 2022; kim ngạch ước đạt 336,26 triệu USD, tăng 66,66% so với năm 2022.

Đồng Tháp hiện có khoảng 175 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo. Ước tính sản lượng xay xát, lau bóng gạo đạt 1,44 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 99,6% kế hoạch năm. Dự kiến năm 2023, sản lượng gạo chế biến ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 38,27% so với năm 2022.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp Võ Phương Thủy đánh giá, những tháng đầu năm 2023, tình hình tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu từ các nước tăng cao. Đặc biệt từ khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo đã tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu. Giá gạo nội địa và xuất khẩu của Việt Nam đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi gặp gỡ.

Hiện tại, giá lúa bình quân tăng hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022 khiến nông dân trồng lúa phấn khởi vì tăng lợi nhuận. Giá lúa chất lượng cao tại ruộng giá 9.000 đồng/kg, lúa thường IR 50404 giá 8.200 đồng/kg. Tại Đồng Tháp, theo kế hoạch sản xuất, diện tích gieo trồng lúa năm 2023 dự kiến đạt 494.400 ha, sản lượng dự kiến đạt 3,26 triệu tấn.

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn. Giá gạo thế giới tăng nhanh cũng đồng thời đẩy giá lúa, gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, gây ra khó khăn về tài chính cho nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với đối tác trước đó. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết thu mua với nông dân, dẫn đến việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất để cung ứng cho các đơn hàng mà doanh nghiệp đã ký kết.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam
Các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam thiết lập kỷ lục gần 4 tỷ USD, vượt mốc 3,67 tỷ USD của cả năm 2012. Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo hàng đầu của Việt Nam, chiếm tới gần 36% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN