Chị Trương Thị Đông, thuộc xóm 6 thôn Yên Lạc xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng được biết đến là hộ kinh doanh phát triển với mô hình vườn ao chuồng điển hình của huyện Kim Bảng, tạo việc làm cho gần 7 thành viên trong gia đình và đảm bảo nguồn thu nhập vững chắc.
Năm 2010, sau khi nhận thấy không thể phát triển kinh tế gia đình với nghề nông trồng lúa truyền thống, gia đình chị Đông đã mạnh dạn nhận đất vùng trũng ngoài đầm xa khu dân cư để xây dựng mô hình kinh tế vườn ao chuồng đầu tiên của huyện Kim Bảng, trong khi rất nhiều hộ vẫn loay hoay trong việc tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế.
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng chị đã tạo nên một mô hình vườn ao chuồng khép kín tự cung tự cấp. Tận dụng đầm lầy cũ gia đình chị cải tạo thành 3 ao nuôi cá và ba ba, đồng thời phát triển chăn nuôi với hệ thống chuồng trại nuôi hơn 100 con lợn, bò và gia súc. Ngoài ra gia đình chị đã trồng những cây ăn quả lâu năm như vải, nhãn, ổi… tạo nên thu nhập theo mùa. Mô hình của gia đình chị không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho gần 7 lao động trong gia đình. Tổng doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/năm.
Chuyện khởi nghiệp với chị Nguyễn Thị Ngọc Thịnh, ở thôn Tường Thụy 2, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên lại khác. Từ một công chức nhà nước chị xin nghỉ để cùng với chồng quyết định trở về quê nhà tìm hướng khởi nghiệp bằng chăn nuôi bò sữa và xưởng chế biến các sản phẩm từ sữa bò. Năm 2015, chị khởi nghiệp từ mô hình làm kinh tế trang trại chăn nuôi bò sữa với tên gọi "Trang trại Mục Đồng" với 20 con bò sữa và 3 công nhân, đến 12/2019 đàn bò không nuôi bằng thức ăn công nghiệp của chị đã tăng đàn lên đến 50 con được nuôi theo "mô hình chăn nuôi bò khép kín".
Đó là tự trồng cỏ nuôi bò theo tiêu chí "năm không": không nuôi bằng cám công nghiệp; không cho ăn các thực phẩm biến đổi gen; không tồn dư kháng sinh; không sử dụng kích thích tăng sữa; không sử dụng chất bảo quản. Ngoài ra, phân bò thì để nuôi giun quế phục vụ cho công việc chăn nuôi gia cầm.. Hằng ngày, đàn bò cung cấp lên đến 500 kg sữa tươi để sản xuất 4 dòng sản phẩm (gồm sữa tươi thanh trùng, sữa chua nguyên kem, sữa chua nếp cẩm và sữa chua uống).
Các sản phẩm của trang trại hiện được tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng và kênh siêu thị Lanchimart. Mô hình của gia đình chị không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động với mức lương trung bình từ 6-8 triệu/tháng. Tổng doanh thu đạt gần 7 tỷ đồng/năm.
Trong lĩnh vực phát triển kinh doanh, dịch vụ xuất hiện điển hình như chị Trần Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần lương thực Hà Nam Ninh. Trong năm 2020, duy trì và phát triển kinh doanh với doanh số vốn điều lệ công ty lên 19,5 tỷ đồng, chị Loan đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động tại địa phương và các vùng lân cận với mức thu nhập ổn định bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ phụ nữ nông dân bao tiêu hàng trăm ngàn tấn thóc mỗi năm với giá cả hợp lý có lợi cho nông dân, góp phần thực hiện chính sách bình ổn giá trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Tấm gương phụ nữ khởi nghiệp như chị Đông, chị Thịnh và chị Loan là số ít trong rất nhiều những mô hình khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ điển hình tiên tiến tỉnh Hà Nam được biểu dương khen thưởng tại các hội nghị trên nhiều lĩnh vực được các cấp hội bình xét trong 5 năm (2015-2020) qua các phong trào thi đua. Ở lĩnh vực nào, các chị cũng luôn nỗ lực vượt lên chính mình, gặt hái được nhiều thành công. Từ những tấm gương thành công đó, các cấp hội đã phổ biến tuyên truyền cho các hội viên phụ nữ khác trong tỉnh Hà Nam tạo động lực thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bà Dương Thị Kim Lợi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam cho biết: Các phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin-tự trọng-trung hậu-đảm đang" đã được các cấp hội phụ nữ Hà Nam cụ thể hóa thành phong trào phù hợp với đặc thù địa bàn và đối tượng để động viên, thu hút phụ nữ tham gia. Từ các phong trào, nhiều gương phụ nữ điển hình tiên tiến đã được phát hiện trên các lĩnh vực, đặc biệt là lao động nữ trực tiếp, phụ nữ làm kinh tế giỏi, phụ nữ có thành tích trong xây dựng nông thôn mới... Các gương điển hình được tuyên truyền nhiều kênh, tạo tính lan tỏa trong cộng đồng và xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững và rèn luyện phẩm chất phụ nữ tự tin-tự trọng-trung hậu-đảm đang. Trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ xây mới 90 nhà, sửa chữa một mái ấm tình thương với số tiền là 4,1 tỷ đồng; thăm, hỏi, tặng quà phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trị giá hơn 21 tỷ đồng. Các cấp Hội cũng xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Có thể nói, phong trào thi đua phụ nữ khởi nghiệp như "luồng gió mới" khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong chị em. Mỗi người một ý tưởng, cách khởi nghiệp, phát triển kinh tế khác nhau nhưng sẵn sàng góp công, góp sức để quê hương ngày càng phát triển, đồng thời là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên đông đảo hội viên, phụ nữ vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên học tập, lao động sáng tạo. Qua đó, không ngừng khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.