Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho rằng, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vành đai phía Đông thành phố Hà Nội phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với hệ thống giao thông vận tải khu vực vùng Thủ đô với cơ sở pháp lý định hướng phát triển là quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu, Ban quản lý dự án đường sắt khẩn trương cập nhật thông tin, số liệu hiện trạng, quy hoạch và dự án liên quan đảm bảo đầy đủ, chính xác làm cơ sở nghiên cứu Dự án. Trong đó, phải điều tra, khảo sát nhu cầu giao thông trong vực để làm cơ sở dự báo nhu cầu vận tải.
Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát giao thông, xây dựng kịch bản phát triển, mô hình dự báo; chuẩn xác lại kết quả dự báo nhu cầu vận tải; trong đó, làm rõ điểm đi, điểm đến (OD), nhu cầu vận tải tại các đầu mối có lưu lượng lớn, mật độ vận tải trên các đoạn tuyến, tuyến đường sắt, đặc biệt là số lượng hành khách, khối lượng xếp dỡ hàng hóa tại các ga đầu mối lớn trong các thời kỳ tương lai.
Ban quản lý dự án đường sắt cũng được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nghiên cứu, tính toán, đề xuất phương án tổ chức chạy tàu tối ưu gắn với các giai đoạn hình thành mạng lưới đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội, gắn với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Cùng đó, nghiên cứu làm rõ phương án khai thác chung đường sắt đô thị, đường sắt ngoại ô với đường sắt quốc gia để phát huy hiệu quả đầu tư.
Về lựa chọn cấp kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật chủ yếu của dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng, đơn vị lập dự án cần nghiên cứu đề xuất theo hướng đồng bộ, hiện đại và có tính mở đảm bảo kết nối thuận lợi, hiệu quả các tuyến đường sắt trong khu đầu mối (bao gồm cả đường sắt nội, ngoại ô); lựa chọn cấp kỹ thuật, công nghệ, thông tin tín hiệu cần tính toán đến phương án khai thác chung, đảm bảo năng lực thông hành, khả năng tương thích với các loại tàu khi chạy chung với tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cơ bản thống nhất hướng tuyến bám theo Vành đai 4 Hà Nội; các tuyến nhánh kết nối phải nghiên cứu, đề xuất cụ thể, đồng bộ với các ga, depot, đầu mối vận tải, đảm bảo đáp ứng năng lực thông qua yêu cầu, tiết kiệm chi phí đầu tư, hiệu quả khai thác vận tải.
Đối với ga Lạc Đạo, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu vận tải để xác định phạm vi, quy mô đầu tư phù hợp.
Về giải pháp thiết kế các ga, trong đó có ga Lạc Đạo cần nghiên cứu vị trí đảm bảo khai thác thuận lợi, hiệu quả; tính toán mặt bằng tổng thể các ga bảo đảm thể hiện đầy đủ, chi tiết các phân khu chức năng (quảng trường ga, nhà ga, sân bãi, khu xếp dỡ hàng hóa, đề pô đầu máy - toa xe, trạm điện, các tuyến đường sắt và giao thông đối ngoại kết nối với khu ga...) và tính toán diện tích bảo đảm đáp ứng năng lực khai thác.
Theo Quyết định số 1769/QĐ - TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng là một trong số 9 tuyến đường sắt được quy hoạch mới.
Tuyến đường sắt vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng là đường đôi, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, chiều dài khoảng 59 km, được đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Trong một diễn biến liên quan đến lĩnh vực đường sắt, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng thuộc dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận thành phố Hà Nội.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2018, Hà Nội đã có văn bản thống nhất về nguyên tắc hướng tuyến, vị trí nhà ga, depot của dự án đoạn trên địa phận Hà Nội để Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trong quá trình thẩm tra, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Hà Nội cũng đã có văn bản tham gia ý kiến rà soát hướng tuyến, vị trí nhà ga dự kiến của dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước) để tổng hợp thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội thống nhất về nguyên tắc các nội dung: Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận thành phố Hà Nội bắt đầu từ ga Ngọc Hồi xuống phía nam theo phương án đã được UBND thành phố thỏa thuận tại văn bản 6397/VB-UBND; mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng... của các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và nhu cầu di dời, tái định cư các cơ sở vật chất của ngành đường sắt trong khu vực nội đô.
Từ đây, Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn xác định cụ thể quy mô diện tích, phạm vi mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để UBND thành phố bổ sung, cập nhật vào các quy hoạch có liên quan.
Đối với phương án đề xuất sử dụng chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 để tổ chức khai thác vận tải vào ga Hà Nội, Hà Nội cho rằng chưa phù hợp với định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu lập dự án, sớm trình phê duyệt, triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông; bàn giao quỹ đất, các cơ sở vật chất tuyến đường sắt xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi, các nhà ga trên tuyến để Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô và thu gom vận chuyển hành khách đáp ứng nhu cầu khai thác vận hành của tuyến đường sắt tốc độ cao.
Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, tại khu vực phía nam thành phố Hà Nội trong tương lai, phát triển đô thị vệ tinh Phú Xuyên với quy mô dân số khoảng 127.000 người và hình thành cảng hàng không thứ hai Thủ đô với công suất dự kiến 50 triệu hành khách/năm.
Đây sẽ là trung tâm của vùng phía nam Thủ đô, do đó cần thiết bố trí một ga trên tuyến đường sắt tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân kết nối với đầu mối giao thông cấp vùng.
Ngoài ra, ga Ngọc Hồi và Phú Xuyên là các ga đầu cuối của tuyến, tốc độ chạy tàu không cao như các đoạn thông thường, do đó cơ bản không ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác tuyến.
“Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung bố trí một ga tại khu vực đô thị vệ tinh Phú Xuyên, phía nam thành phố Hà Nội để kết nối với cảng hàng không Hà Nội 2 và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực", UBND thành phố Hà Nội đề xuất.