Việc chuyển đổi này nhằm thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư kết nối thành phố Đà Lạt với Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2022.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành việc thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng để lập thủ tục xin chủ trương chuyển đổi mục đích diện tích đất phục vụ việc xây dựng đoạn cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc. Theo văn bản số 230/TĐ-SNN ngày 9/2/2022, Sở đã tổ chức điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng trên diện tích 486 ha, trong đó đất quy hoạch lâm nghiệp rừng sản xuất có 8,49 ha gồm 1,17 ha đất có rừng và 7,32 ha đất không rừng. Đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 477,51 ha, trong đó có 1,9 ha đất có rừng và 475,6 ha đất không rừng.
Diện tích đất này nằm trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng cùng diện tích do Nông trường 78 (Học viện Lục quân) và Công ty Cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai quản lý. Trên diện tích đất có rừng phải chuyển đổi mục đích, tỉnh Lâm Đồng thống kê có trữ lượng gỗ 247 m3, toàn bộ là rừng trồng gỗ núi đất gồm Thông 3 lá trồng năm 2002 và Thông Caribe trồng năm 2017.
Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc kết nối cao tốc Liên Khương - Prenn của tỉnh Lâm Đồng với cao tốc Dầu Giây - Long Thành - Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó đoạn Giầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Hai đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức đối tác công tư.
Đoạn cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài hơn 73 km, chiều rộng 4 làn xe với nền đường 17 m, giai đoạn hoàn chỉnh chiều rộng 24,75 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 11.311 tỷ đồng. Đoạn cao tốc này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư. UBND tỉnh Lâm Đồng đã kêu gọi và chấp thuận lựa chọn nhà đầu tư lập đề xuất dự án là Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang (đại diện), Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Thời gian thi công dự kiến 24 tháng và hoàn thành các thủ tục để thông xe trong năm 2025.
Được biết, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn ngân sách Trung ương đầu tư đường cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP. Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ 2.500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho địa phương để thực hiện dự án. Vốn địa phương bỏ ra là 1.500 tỷ đồng, còn lại vốn do nhà đầu tư huy động, khoảng trên 7.000 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án cao tốc Bảo Lộc -Liên Khương là 20 năm.