Ông Nguyễn Văn Cảnh (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) chăm sóc cho vườn rau của gia đình ngay sau khi nước lũ rút. |
Đơn Dương là vùng trồng rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với diện tích 24.506 ha rau các loại. Tổng diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt 8.900 ha, chiếm trên 82% diện tích đất sản xuất rau toàn huyện với năng suất bình quân đạt 3,35 tấn/ha.
Do mưa lũ kéo dài gần nửa tháng qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng rau trên địa bàn Đơn Dương. Đặc biệt đối với diện tích rau trồng ngoài trời, trong đó chủ yếu gồm các loại rau ăn lá như cải thảo, bắp cải và cà chua bị hư hại, thối rễ khiến sản lượng sụt giảm.
Tuy nhiên, hiện nhiều công ty, hợp tác xã và vựa rau tại Đơn Dương vẫn đảm bảo nguồn cung cho các siêu thị, chợ bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Thiện Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Thiện Thanh (xã Đạ Ròn, Đơn Dương) cho biết, do mưa kéo dài khiến sản lượng rau của hợp tác xã giảm gần một nửa. Để đảm bảo nguồn cung cho bạn hàng, đơn vị này đã liên kết nhập thêm rau của các hộ dân trong vùng.
“Chúng tôi vẫn duy trì cung cấp cho các chợ đầu mối khoảng 5 tấn rau/ngày. Riêng mặt hàng rau cho siêu thị có bị sụt giảm, còn 2 tấn rau/ngày do lượng rau loại đẹp đang khan hiếm bởi ảnh hưởng của mưa lũ”, ông Thanh cho hay.
Theo khảo sát tại Đơn Dương, hiện đa phần các mặt hàng rau ăn lá đều tăng so với các thời điểm trước. Trong đó giá cà chua tăng cao nhất với mức 22.000 đồng/kg, cải thảo 4.000 đồng/kg, bắp cải 5.000 đồng/kg…
Sau khi đợt mưa lũ kết thúc, nhiều nhà vườn bắt tay vào sản xuất, xuống giống vụ rau mới kịp thời cung cấp cho thị trường. Ông Trần Thiện Thanh cho biết thêm: “Chúng tôi hiện có trên 52 ha rau các loại; trong đó, nhiều diện tích đã được xuống giống vụ mới và chỉ vài ngày nữa sẽ cho thu hoạch, việc cung cấp rau cho thị trường sẽ trở lại bình thường”.
Trong khi đó, tại thành phố Đà Lạt - nơi có số công ty, nông trại trồng rau an toàn nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng, hầu như diện tích rau không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Hầu hết diện tích rau được trồng trong nhà kính áp dụng công nghệ cao, hệ thống chăm bón hoàn toàn tự động cho sản lượng thu hoạch khá ổn định.
Tại công ty Trách nhiệm hữu hạn VietFarm (phường 9, Đà Lạt), ngoài lượng rau xuất khẩu, sản lượng rau thu hoạch hiện vẫn cung cấp ổn định cho hệ thống 7 siêu thị và 20 cửa hàng rau sạch trên cả nước. Có 40 loại rau củ của công ty được trồng trong nhà kính theo tiêu chuẩn an toàn, đạt chứng chỉ GlobalGAP, VietGAP.
“Chúng tôi vẫn có kế hoạch sản xuất ổn định và mỗi ngày duy trì cung cấp cho đối tác 10 tấn rau sạch các loại”, ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Công ty VietFarm cho biết.
Trong khi đó, một trong những đầu mối cung cấp rau sạch lớn nhất nhì Lâm Đồng là Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Anh Đào Đà Lạt (Anh Đào Co.Op) đang cung cấp 120 tấn rau mỗi ngày cho thị trường. Đa phần các loại rau của đơn vị như: cải thảo, súp lơ, cà chua, hành tây… được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng đảm bảo an toàn với sức khoẻ người tiêu dùng.
Tương tự, Công ty Dalat GAP (phường 8, thành phố Đà Lạt) có 13 ha rau công nghệ cao. Diện tích rau này được trồng trong nhà kính nên hầu như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường vừa qua.
Theo đại diện Công ty Dalat GAP, mỗi ngày công ty này vẫn cung cấp rau sạch đều đặn tới bạn hàng và giá bán được giữ ổn định theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký kết với các đối tác trước đó.