Kỳ vọng thị trường chứng quyền sẽ sôi động trở lại trong quý IV/2022

Sau hơn 3 năm kể từ ngày sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) chính thức vận hành, thị trường chứng quyền Việt Nam đã có những bước mở rộng đáng kể về quy mô.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Nếu thời điểm tháng 8/2021, thị trường có khoảng 48 mã chứng quyền từ 5 đơn vị phát hành thì tới cuối tháng 8/2022, thị trường đã có khoảng 157 mã chứng quyền từ 7 đơn vị phát hành. Thị trường CW đang được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại vào 3 tháng tới đây, nhờ các đợt phát hành mới.

Ngày 22/9, có 423 triệu chứng quyền có bảo đảm của 28 mã chứng quyền mới do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI phát hành chính thức được niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE). Đây cũng là đợt phát hành chứng quyền có khối lượng lớn nhất của SSI từ trước đến nay.  

28 mã chứng quyền được SSI phát hành và niêm yết lần này dựa trên 12 blue chip tiềm năng cho nhà đầu tư trong giai đoạn cuối năm và nửa đầu năm 2023, chủ yếu là các mã thuộc ngành ngân hàng (ACB, MBB, STB, TCB, TPB, VPB), bất động sản và vật liệu xây dựng (VHM, KDH và HPG) và nhóm bán lẻ (FPT, MWG, VRE).

Các chứng quyền tương ứng với mỗi mã chứng khoán cũng có nhiều kỳ hạn khác nhau, gồm 4 tháng, 7 tháng và 12 tháng. Mặc dù CW là sản phẩm phù hợp nhất cho các chiến lược giao dịch ngắn hạn nhưng hiện nay một lượng đáng kể nhà đầu tư vẫn có nhu cầu sử dụng sản phẩm này cho mục đích đầu tư dài hạn, đặc biệt sau giai đoạn thị trường điều chỉnh khá từ đầu năm 2022.

Do vậy, việc SSI phát hành chứng quyền đợt này với nhiều kỳ hạn khác nhau sẽ giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn để đa dạng hóa danh mục cũng như linh hoạt trong việc tối ưu lợi nhuận cả ngắn và dài hạn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều biến động.

Với đợt phát hành lần này, đại diện SSI cho biết, công ty luôn hướng tới việc phát hành chứng quyền đa dạng dựa trên cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác nhau trong rổ chỉ số VN30, nhưng vẫn có trọng tâm ở một số cổ phiếu mà thị trường có nhu cầu đặc biệt trội hơn như HPG, STB, FPT…

Tỷ lệ thực hiện 28 mã chứng quyền được SSI phát hành lần này cũng rất linh hoạt, từ 2:1, 4:1, 6:1, 8:1 và 10:1 đáp ứng đa dạng mọi khẩu vị đầu tư. Hiện 28 mã chứng quyền do SSI phát hành đã hoàn thành giai đoạn phát hành (IPO) và được niêm yết trên sàn thứ cấp.

Ngoài SSI, đầu tháng 9/2022, thị trường chứng quyền cũng ghi nhận thêm 24 mã CW mới từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam với kỳ hạn từ 4 – 7 tháng. Cuối tháng 8/2022, Công ty cổ phần Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSC) thông báo phát hành 9 mã chứng quyền có bảo đảm với kỳ hạn 6 tháng…

Với sự bổ sung thêm nhiều mã chứng quyền từ các công ty chứng khoán vào thời điểm này, thị trường chứng quyền hứa hẹn sẽ càng trở nên sôi động trong những tháng cuối năm.

Theo các chuyên gia, thời điểm quý I và quý IV hằng năm thường là giai đoạn sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam và năm nay có thể cũng không nằm ngoài quy luật. Việc thị trường có những biến động cũng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho nhiều nhà đầu tư khác nhau.

Với kịch bản thị trường diễn biến tích cực, ngoài cổ phiếu, nhà đầu tư có thể phân bổ một phần danh mục vào chứng quyền để tối ưu hóa vốn đầu tư. Với kịch bản thị trường thận trọng, nhà đầu tư có thể rút vốn khỏi thị trường cổ phiếu và phân bổ một tỷ lệ phù hợp trong phần vốn vừa rút ra vào thị trường chứng quyền để đảm bảo vẫn giữ trạng thái tương ứng ở những cổ phiếu này, mà không phải mạo hiểm với toàn bộ vốn đầu tư.

H.Chung (TTXVN)
Nhiều nhà đầu tư 'cháy' tài khoản vì chứng quyền có bảo đảm
Nhiều nhà đầu tư 'cháy' tài khoản vì chứng quyền có bảo đảm

Kể từ đầu tháng 4/2022, thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh và có xu hướng giảm sâu khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư mới (F0) bị thua lỗ nặng nề. Đặc biệt, tình trạng thua lỗ càng phổ biến hơn đối với những nhà đầu tư lỡ ôm chứng quyền có bảo đảm (CW) trong giai đoạn này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN