Cụ thể, tại thị trường Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 87 xu Mỹ (1,3%) lên mức 67,49 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 50 xu Mỹ (0,9%) lên 56,96 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu chủ yếu được hỗ trợ bởi những kỳ vọng rằng OPEC sẽ sớm bắt đầu cắt giảm nguồn cung khi đã xuất hiện những lo ngại rằng tình trạng hồi năm 2014 sẽ tái diễn. Trong giai đoạn đó, giá “vàng đen” đã tuột dốc khi thị trường không chống đỡ được tình trạng dư thừa nguồn cung.
Các nguồn tin thân cận cho biết Saudi Arabia muốn OPEC cắt giảm khoảng 1,4 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 1,5% sản lượng toàn cầu, tại cuộc họp của khối này vào đầu tháng 12 tới.
Tuy nhiên, Morgan Stanley cảnh báo động thái cắt giảm nguồn cung của OPEC có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo ngân hàng này, do sự dư thừa nguồn cung trên thị trường bắt nguồn từ sản lượng kỷ lục của nhiều nước, nên việc cắt giảm sản lượng của OPEC chỉ mang lại tác động tạm thời bởi lẽ các quốc gia về cơ bản chỉ chuyển đổi sản xuất từ giai đoạn này sang giai đoạn khác.
Trong khi OPEC xem xét việc giảm bớt nguồn cung, số liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 15/11 cho biết sản lượng dầu thô của nước này đã đạt mức kỷ lục mới 11,7 triệu thùng/ngày vào tuần trước. Tính từ đầu năm tới nay, sản lượng khai thác dầu của Mỹ đã tăng gần 25%.
Các kho dự trữ dầu thô của Mỹ cũng tăng 10,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/11, đưa con số này lên 442,1 triệu thùng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2017. Chính sự gia tăng này đã góp phần làm giá dầu tuột dốc gần 25% kể từ đầu tháng 10, khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ.
Trong khi đó, Công ty nghiên cứu và môi giới đầu tư Goehring & Rozencwajg đưa ra dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2019 sẽ đạt 101,1 triệu thùng/ngày, chỉ tăng nhẹ so với mức dưới 100 triệu thùng/ngày trong năm nay.