Dù vậy, với hàng loạt giải pháp hỗ trợ đang được các ngân hàng tiếp tục triển khai cùng những tín hiệu phục hồi về đơn hàng, hoạt động sản xuất đang tạo kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), cho biết các số liệu xuất khẩu trong nửa đầu năm đều đi xuống, hàng hóa xuất khẩu giảm sẽ kéo theo hàng tồn kho tăng, sản xuất trong nước giảm. Thực tế nhiều khách hàng của Agribank sản xuất hết đơn hàng cũ thì không có đơn hàng mới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan từ sức khỏe nội tại của doanh nghiệp. Theo Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp, Trụ sở chính Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), sức khỏe tài chính của doanh nghiệp đã bị bào mòn qua thời gian dài chống chọi với đại dịch COVID-19. Lại thêm việc đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều ở quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ nên năng lực điều hành, quản trị hạn chế, khó đạt chuẩn về minh bạch tài chính. Những điều này càng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay dù mặt bằng lãi suất đã giảm.
Từ thực tế của ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải không chỉ nằm ở việc cấp tín dụng.
"Ngành dệt may đã rơi vào 4 quý giảm liên tiếp. 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đơn hàng rất thiếu và đơn giá rất thấp. Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì cũng không vay tiền ngân hàng, dù lãi suất có thấp tới đâu", ông Cẩm nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, dù tiếp cận được vốn vay lưu động, được hỗ trợ thanh toán trong và ngoài nước, cơ cấu nợ... nhưng Công ty TNHH Hai thành viên Hải sản 404 cũng không tránh khỏi còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Cường - Giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên Hải sản 404 cho biết cái khó của doanh nghiệp hiện nay là không còn tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn. Do đó phần lớn các khoản vay ngân hàng đều là vay tín chấp với lãi suất khoảng trên 9%/năm.
"Doanh nghiệp thủy hải sản trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài, Công ty Hải sản 404 cũng không nằm ngoài số đó. Nút thắt chủ yếu nằm ở giá thành sản phẩm, trong đó lãi suất ngân hàng cao cũng góp phần vào cơ cấu giá thành. Do đó, nếu lãi suất ngân hàng giảm thêm sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hạ giá thành hàng hóa, đẩy nhanh xuất khẩu", ông Cường cho hay.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng trong nền kinh tế đến ngày 29/8/2023 đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, dù tăng 5,33% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 9,87% của cùng kỳ năm trước. Như vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm còn rất lớn.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho biết lần đầu trong 6 tháng gần đây, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức so với mức 48,7 điểm của tháng 7). Đây là tín hiệu cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại...
Trước thực tế trên, loạt giải pháp để thúc đẩy tín dụng tiếp tục được các ngân hàng triển khai.
Ông Nguyễn Văn Bách cho biết Agribank đã chủ động giảm lãi suất, cơ cấu nợ, giúp khách hàng kéo dài thời hạn trả nợ, không bị nợ xấu... đồng thời, chủ động tiết giảm chi phí để hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Được biết, từ đầu năm đến nay Agribank đã triển khai 7 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường và nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, bất động sản...
Tương tự, BIDV cũng đã 4 lần giảm lãi vay từ đầu năm đến nay. Riêng trong tháng 8/2023, lãi suất các khoản cho vay mới đã giảm 1% so với tháng trước. Chưa dừng ở đó, bà Nguyễn Thị Kim Phượng chia sẻ BIDV còn thiết kế sản phẩm "may đo" bám sát từng nhu cầu vay vốn của khách hàng; có chính sách đặc thù riêng theo từng phân khúc khách hàng, ngành hàng, đảo bảo trải nghiệm khách hàng phù hợp nhất.
Gần đây, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã giảm lãi suất cho vay cho khách hàng cá nhân hiện hữu lên đến 2,6%/năm. Không riêng Nam A Bank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đang thực hiện 3 gói vay ưu đãi với tổng quy mô lên đến 13.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với nhiều gói vay có tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, lãi suất bắt đầu từ 6,5%/năm...
Ngoài các gói tín dụng ưu đãi, nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố thông tin về việc cho vay khách hàng cá nhân để trả nợ ở các ngân hàng khác. Trong đó, lãi suất hấp dẫn nhất được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) từ 5,6%/năm cho vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm cho vay tiêu dùng.
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các khoản vay mới để trả nợ ngân hàng khác có lãi suất từ 6%/năm cho khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm cho khoản vay trung và dài hạn. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng áp dụng các lãi suất linh hoạt từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu cho các khoản vay tương tự...
Dự báo xu hướng lãi suất, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất cho vay có thể sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1 điểm % từ nay đến cuối năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6 - 6,2%/năm.
Cơ sở của nhận định trên bắt nguồn từ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng giảm sau các đợt cắt giảm nhiều loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, tín dụng tăng chậm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn, áp lực với lãi suất huy động theo đó cũng hạ nhiệt.
Tuy nhiên, ngoài vốn tín dụng, doanh nghiệp còn cần hơn nữa những giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng. Ông Thịnh đề xuất cần xem xét đến các giải pháp kích cầu trong nước, các hiệp hội ngành nghề cùng chính quyền địa phương cần nắm lại tình hình tiêu thụ, đẩy mạnh "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Song song với đó cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong khoảng thời gian nhất định... Doanh nghiệp qua đó sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tiết giảm chi phí vận hành...
Tác động của việc giảm lãi suất điều hành và tình trạng dư thừa nguồn vốn tín dụng đã góp phần đáng kể vào việc giảm mạnh lãi suất cho vay gần đây. Thêm vào đó, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người dân có thể vay vốn mới với lãi suất thấp hơn để trả nợ các khoản vay lãi suất cao ở ngân hàng khác. Từ đó giúp giảm gánh nặng chi phí vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tín dụng trong những tháng cuối năm.