Nhiều công ty chứng khoán, nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng: Quy định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Nghị định 60/2015 (NĐ 60) có hiệu lực từ ngày 1/9 sẽ tạo cú hích lớn, mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK). Trong lúc này, cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm bởi để đưa quy định mới vào áp dụng cũng không hề đơn giản.Dòng vốn đầu tư sẽ sôi động hơnChủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng cho biết: Nghị định 60 (sửa đổi Nghị định 58 quy định chi tiết Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán) được Chính phủ ban hành mới đây với nội dung quan trọng là tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài từ 30%, 49% lên 100% đã nhận được sự đánh giá cao.
Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán sau nới room. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
“Nghị định 60 sẽ thúc đẩy hơn dòng vốn gián tiếp vào TTCK, từ đó giúp thị trường có quy mô lớn hơn, hỗ trợ tốt cho cổ phần hóa doanh nghiệp mà Chính phủ đang tiến hành. Xét về lâu dài, việc mở room cũng sẽ thúc đẩy tốt hơn nữa sự minh bạch trong vấn đề quản trị doanh nghiệp. Dòng vốn mới cũng sẽ là sức ép doanh nghiệp phải thay đổi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế tốt hơn”, ông Vũ Bằng nói.
Theo ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Công ty Dragon Capital, NĐT nước ngoài đã mong đợi mở room từ rất lâu để có được những lợi thế. Đây sẽ là cú hích tương đối lớn cho TTCK. “Giả sử trước kia, khi đi huy động vốn, nhà đầu tư yêu cầu chúng tôi lên danh mục đầu tư để có thể giải ngân 500 triệu USD trong vòng 1- 2 năm, chúng tôi cố gắng đưa ra nhưng không chắc chắn về mặt thời gian vì phải chờ mở room hay chờ doanh nghiệp lên sàn. Vì vậy, không có cơ sở để những quỹ lớn bỏ tiền vào. Chúng tôi chỉ kiếm được những quỹ quy mô khoảng 100 - 150 triệu USD. Vì vậy, thông tin mở room tác động lâu dài đến thị trường”, ông Hiền nói.
Một số chuyên gia chứng khoán cho biết: Trước những tín hiệu lạc quan về sự thay đổi một số chính sách của Chính phủ, đặc biệt là sửa đổi Luật nhà ở, kinh doanh bất động sản (BĐS), nới room cho người nước ngoài, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng cũng đã có có tác động đến TTCK trong thời gian qua, đặc biệt tới nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Bên cạnh đó, những chính sách thanh lọc ngân hàng yếu kém, đẩy mạnh M&A giữa các ngân hàng, giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngành ngân hàng dưới 3% đến cuối năm đã giúp các cổ phiếu này có sự tăng trưởng trở lại.
Khảo sát của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay: Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của các ngân hàng được công bố và đều thể hiện lợi nhuận tăng trở lại, tỷ lệ nợ xấu giảm rõ rệt, việc trích dự phòng rủi ro của các ngân hàng cũng đã được tăng lên theo quy định. Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng thì nhóm cổ phiếu bất động sản cũng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rất lớn.
Theo ông Vũ Bằng, cùng với việc nới room, trong nội tại TTCK sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc và các giải pháp hỗ trợ như: Rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2, áp dụng giao dịch trong ngày, giảm thủ tục đăng ký giao dịch cho NĐT nước ngoài, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh… sẽ tạo ra động lực thúc đẩy TTCK, thị trường vốn phát triển về chất trong 5 năm tới. “Cùng với việc đó, Việt Nam đang thể hiện quyết tâm nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên hiện nay lên mức thị trường mới nổi cũng sẽ tăng sức hấp dẫn với các NĐT quốc tế”, lãnh đạo UBCK khẳng định.
Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lýĐể quy định nới room cho NĐT nước ngoài sớm đi vào cuộc sống, người đứng đầu UBCK vừa ký Công văn 4493/UBCK-PC về triển khai NĐ 60 gửi các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm đốc thúc họ tích cực lên phương án, chuẩn bị.
UBCK đang khẩn trương hoàn tất một số dự thảo thông tư để trình Bộ Tài chính ban hành như: Dự thảo sửa đổi Thông tư 213/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam; dự thảo Thông tư hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng phát hành cổ phiếu hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng...
Liên quan đến việc giới đầu tư quan tâm là tỷ lệ nới room đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể, lãnh đạo UBCK cho hay: Với những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa áp dụng đối với NĐT nước ngoài, thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cam kết mở cửa khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tỷ lệ sở hữu áp dụng đối với NĐT nước ngoài tuân thủ theo nội dung cam kết. Với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì việc nới room phải thỏa mãn các điều kiện đặt ra. Còn lại những ngành nghề, lĩnh vực mà không có quy định khống chế về tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài, thì mở room tối đa; trong đó, tỷ lệ room áp dụng đối với NĐT nước ngoài sẽ do các doanh nghiệp tự quyết định.
Một chuyên gia phân tích chứng khoán chia sẻ: Quyết định nới room có liên quan đến nhiều quy định pháp lý khác, đơn cử như liên quan đến Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn (đang soạn thảo) về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, mặc dù Luật Đầu tư đã quy định danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng kết quả rà soát sơ bộ cho thấy còn tới 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài; 21 ngành nghề chưa có quy định cả về điều kiện kinh doanh chung và điều kiện đầu tư với NĐT nước ngoài…
“Mặt khác, quyết định nới room trao quyền quyết định cho doanh nghiệp nên khi triệu tập họp đại hội cổ đông để thông qua phương án nới room, nếu các cổ đông lớn không đồng tình thì quyết định nới room không dễ được áp dụng. Điều đó cho thấy, hiệu ứng của nới room rộng hay hẹp còn phụ thuộc khá lớn vào động thái của chính các doanh nghiệp”, chuyên gia chứng khoán này nói.