Báo cáo của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đăk Glei cho biết, hiện trên địa bàn huyện có tới 11 dự án thủy điện với tổng quy mô công suất hơn 150 MW. Tuy nhiên, đến nay, mới có 1 dự án thủy điện Đăk Pru 1 - công suất 7 MW đã hoàn thành, còn lại 7 dự án “chết lâm sàng” và 3 dự án chưa có chủ trương đầu tư.
Nhiều vấn đề đã được cấp thẩm quyền huyện Đăk Glei kiến nghị chấn chỉnh, hoặc thu hồi đối với các dự án thủy điện chậm tiến độ, thực hiện không có hiệu quả. Như Dự án thủy điện Đăk Bro (thuộc xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei), Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phúc Kim Tân đã không triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết, khiến khu vực trên xảy ra nạn khai thác vàng trái phép lặp đi lặp lại nhiều lần. Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, an ninh trật tự, tạo dư luận xấu trong nhân dân khu vực dự án.
Bên cạnh đó, nhiều dự án thủy điện như Đăk Ruồi 2 (công suất 14 MW), Đăk Ruồi 3 (công suất 3 MW), Đăk Mek 3 (công suất 7,5 MW), Đăk Mi 1 (công suất 84 MW), Đăk Mi 1A (11 MW)… chậm thi công hoặc chờ điều chỉnh cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, xã hội của huyện Đăk Glei.
Ông Trần Viết Cử, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) cho biết, để thực hiện các dự án thủy điện, chính quyền địa phương đã vận động người dân nhượng lại diện tích đất ở và đất sản xuất của mình để làm thủy điện. Tuy nhiên, tiến độ triển khai tái định canh, định cư của một số thủy điện như thủy điện Đăk Mi rất chậm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
Nhà cửa của người dân đã xuống cấp trầm trọng nhưng không thể sửa chữa. Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với người dân vùng ảnh hưởng cũng không thực hiện được, việc canh tác sản xuất nông nghiệp cũng tạm bợ… Cuộc sống người dân đã khó khăn ngày một khó khăn thêm.
“Để sớm ổn định cuộc sống của người dân, đồng thời để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đề nghị các cấp có thẩm quyền yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Khi chọn nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện cần xem xét kỹ năng lực và tài chính để lựa chọn”, ông Trần Viết Cử cho kiến nghị.
Kon Tum là tỉnh có tiềm năng lớn về thủy điện với tổng công suất 2.790 MW. Để đưa ngành năng lượng này phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh Kon Tum, các nhà quản lý cần siết chặt hơn việc cấp phép các dự án, lựa chọn nhà đầu tư. Tránh tình trạng quy hoạch, cấp phép ồ ạt rồi… gánh hậu quả như các Dự án thủy điện đang tồn tại ở huyện Đăk Glei.