Dự án hồ chứa nước Bản Lải thuộc xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã được Chính phủ đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện từ tháng 6/2007. Nhưng đến nay, đã gần 10 năm dự án vẫn chưa được triển khai gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng trăm gia đình thuộc các thôn: Tằm Pất, Tằm Hán, Bản Quyên, Bản Hu, Pò Chong thuộc xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình.
Theo đó, Dự án hồ chứa nước Bản Lải có dung tích 169 triệu m2 để cắt lũ, cấp nước tưới cho trên 2.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 122.000 người; xả nước đảm bảo môi trường sinh thái hạ du trong mùa khô, kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát điện. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình gồm 1.794 ha, trong đó lòng hồ và các hạng mục công trình là 1.673 ha, còn lại là bãi vật liệu và mặt bằng thi công.
Sau nhiều lần điều chỉnh dự án, đến nay công trình vẫn đang dừng lại ở công đoạn tuyên truyền vận động người dân sẵn sàng tinh thần để giải phóng mặt bằng để thi công công trình.
Trong thời gian chờ đợi gần 10 năm, các hộ dân sinh sống trong dự án luôn thấp thỏm lo âu với cuộc sống “5 không”: Không điện, không cầu, không xây dựng, sửa chữa nhà cửa, không trồng cây lâu năm, không trường lớp kiên cố.
Tuy nhiên, trong “5 không” đó thì việc không có cầu để đi lại là điều khó khăn lớn nhất của nhân dân. Theo Chủ tịch UBND xã Tĩnh Bắc, Nông Văn Dũng thì việc đi lại của người dân nơi đây chỉ thuận lợi và thời điểm nước cạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, người dân tự làm cầu tạm bằng tre, nứa.
Những tháng còn lại việc đi lại của người dân vô cùng vất vả bởi mưa, lũ. Trong khi đó hơn 200 hộ dân chỉ có một chiếc thuyền, nhà nào có việc gấp lắm mới mượn để sang sông; còn lại người dân chọn cách lội qua sông để sang bờ bên kia. Người lớn đi làm đã vậy, khổ nhất là trẻ con, nước lên không dám đến trường, thầy cô giáo cũng vậy, nên các cháu phải chịu thiệt thòi nhiều.
Không chỉ khó khăn về việc đi lại, toàn bộ năm thôn đều không có điện, không được xây dựng, sửa chữa các công trình như nhà ở, nhà văn hóa, nhà trẻ… và đặc biệt là không được trồng cây lâu năm trên chính mảnh đất của mình. Bởi toàn bộ năm thôn thì chỉ có thôn Bản Hu và thôn Tằm Pất là có nhà trẻ kiêm luôn nhà văn hóa để họp thôn, bản; tuy nhiên đây là nhà trình tường bằng đất, đã sử dụng gần 20 năm rồi không được sửa chữa gì nên cũng dột nát xuống cấp nghiêm trọng.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tĩnh Bắc, Lương Văn Mông cho biết: "Ngay từ khi có chỉ đạo của các cấp chính quyền về việc triển khai dự án người dân ở các thôn nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định và sẵn sàng nhận bồi thường bàn giao mặt bằng. Từ đó đến nay cơ sở hạ tầng của các thôn không được đầu tư và chính người dân cũng không dám đầu tư để phát triển kinh tế. Có những gia đình đến chuồng nuôi lợn cũng không dám xây. Ngay chính gia đình nhà tôi có hơn 2 ha đất lâm nghiệp cũng để hoang hóa gần chục năm nay không dám trồng trọt gì".
Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, ngày 31/12/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Quyết định số 5804/QĐ-BNN-XD về việc “Phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Bản Lải, tỉnh Lạng Sơn”.
Và đến ngày 29/1/2016 vừa qua, Bộ Công Thương tiếp tục có Quyết định số 448/QĐ-BCT về việc “Phê duyệt bổ sung Dự án thủy điện Bản Lải vào Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Dự án này được xây dựng sau đập đầu mối công trình hồ chứa nước Bản Lải trên sông Kỳ Cùng thuộc địa bàn xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình.
Hy vọng rằng với những quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung của các bộ ngành Trung ương và địa phương, Dự án Hồ chứa nước Bản Lải sẽ sớm được thực hiện để hơn 200 hộ dân xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình không còn phải thấp thỏm, lo âu sống trong cảnh “5 không” nữa.