Dự báo năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi nhưng với tốc độ chậm và chỉ có thể lấy đà tăng trưởng khả quan từ năm 2016. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Cơ cấu kinh tế: Những rủi ro phát triển” do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần tri thức doanh nghiệp quốc tế tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/1. Dây chuyền sản xuất bánh của Công ty cổ phần bánh kẹo Tràng An. Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Theo ông Nguyễn Chí Hải, Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, dù lạc quan hay thận trọng, giải pháp cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là phải đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đó, nhân tố quyết định để thực hiện mục tiêu này là phải có sự nỗ lực chung của cả các doanh nghiệp và Chính phủ trong việc phát triển khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ thực sự là động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của đất nước.
Vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra "mổ xẻ" là việc tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Theo thống kê, đến hết tháng 10/2014, cả nước chỉ cổ phần hóa được 143 doanh nghiệp, chưa đạt một nửa kế hoạch đề ra, bởi trong phương án giai đoạn 2014-2015 phải thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.
Qua báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cho thấy, đến hết năm 2013 các công ty mẹ còn đầu tư tại những lĩnh vực chứng khoán là 957 tỷ đồng, quỹ đầu tư 549 tỷ đồng, bảo hiểm 1.498 tỷ đồng, ngân hàng - tài chính 16.101 tỷ đồng, bất động sản 13.176 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, giá trị thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạt 2.415 tỷ đồng, vì vậy tính chung cả năm 2013 và 10 tháng năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty mới thoái vốn trên 4.400 tỷ đồng trên tổng số 21.000 tỷ đồng.
Đánh giá việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước, ông Vũ Đình Ánh, Viện Tài chính cho rằng, đối với doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt. Riêng đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, ngân hàng thương mại ở những tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể giao cho Ngân hàng Nhà nước mua lại hoặc chuyển cho ngân hàng nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.
Theo kế hoạch, giá trị vốn nhà nước cần thoái trong năm 2015 là 16.367 tỷ đồng. Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, đây là một thách thức không hề nhỏ nếu so với kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
Mỹ Phương (TTXVN)