Kinh tế toàn cầu 6 tháng: Cần thêm niềm tin về sự phục hồi mạnh mẽ

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn và tăng trưởng yếu, lạm phát tăng và nhiều yếu tố không chắc chắn. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng rằng sự giảm tốc tăng trưởng trong năm 2023 có thể ít nghiêm trọng hơn dự kiến, chủ yếu nhờ những chuyển biến tích cực ở các quốc gia phát triển và Trung Quốc.

Lĩnh vực ngân hàng biến động sau các vụ phá sản

Chú thích ảnh
Người dân tập trung bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở California, Mỹ ngày 13/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trong tháng 3/2023, vụ phá sản của Silicon Valley Bank, ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ về tổng giá trị tài sản và Signature Bank cũng như vụ thâu tóm Credit Suisse, một ngân hàng của Thụy Sỹ có tầm quan trọng mang tính hệ thống trên toàn cầu, đã gây biến động trên các thị trường tài chính. Vào đầu tháng Năm, Chính phủ Mỹ nắm quyền kiểm soát First Republic Bank và bán ngân hàng này cho JPMorgan Chase. Lãi suất tăng nhanh đã ảnh hưởng đến bản cân đối kế toán và gây khó khăn cho quản lý rủi ro của các ngân hàng phá sản.

Lo ngại về sự lây lan đã đưa đến các hành động quyết đoán của các nhà chức trách, nhờ đó giảm thiểu bất kỳ mối đe dọa nào đến sự ổn định tài chính. Tại Mỹ, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang đã mở rộng diện bảo hiểm tiền gửi đối với tất cả người gửi tiền tại các ngân hàng phá sản thay vì chỉ áp dụng đối với số tiền gửi dưới 250.000 USD. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng nhanh chóng đảo ngược đà thu hẹp của bản cân đối kế toán theo chương trình thắt chặt định lượng bắt đầu từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là tại Mỹ vẫn chịu sức ép do vụ phá sản của ngân hàng First Republic Bank.

Trong khi các chính phủ và các cơ quan quản lý tài chính đã kiểm soát được tình hình, những diễn biến này cho thấy nguy cơ đối với sự ổn định tài chính mang tính hệ thống hơn.

Bản cân đối kế toán của các ngân hàng lớn nhất vẫn mạnh, những biến động của các ngân hàng khu vực có thể sẽ cản trở tăng trưởng tín dụng hơn nữa trong ngắn hạn.

Thị trường lao động ở các nền kinh tế phát triển vẫn thắt chặt

Các thị trường lao động tại châu Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ vẫn thắt chặt, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và tình trạng thiếu lao động tái diễn. Nguồn cung lao động không đáp ứng được nhu cầu hậu đại dịch, điều đang gây sức ép tăng lương, đã gây thêm các thách thức chính sách cho các ngân hàng trung ương.

Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4% trong tháng 4/2023, dù tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng ổn định, gần đạt mức trước đại dịch. Tuy nhiên, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu ảnh hưởng đến việc làm trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế tạo và bán lẻ, vốn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng để tài trợ cho các hoạt động. Khi hoạt động kinh tế yếu hơn, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo tăng nhẹ nhưng sẽ vẫn ở mức thấp kỷ lục. Trong tháng 5/2023, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7%, mức cao nhất trong vòng bảy tháng.

Tại châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức kỷ lục ở nhiều nước, ở mức trung bình 6,5% tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào tháng 3/2023. Mặc dù các nền kinh tế châu Âu có thể suy thoái nhẹ trong năm 2023, các điều kiện của thị trường lao động được cho là vẫn vững, khi các doanh nghiệp có thể giữ chân lao động trong lúc thiếu đáng kể lao động.

Lạm phát dần hạ nhiệt

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Mississauga, Ontario, Canada. Ảnh tư liêụ: THX/TTXVN

Giá lương thực toàn cầu giảm kể từ giữa năm 2022, do một số yếu tố như việc nối lại hoạt động xuất khẩu từ các cảng của Ukraine theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc trong tháng 4/2023 giảm 19,7%, xuống 127,2 điểm.

Dù Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, nhóm OPEC+, bất ngờ cắt giảm sản lượng trong tháng 4/2023, và Liên minh châu Âu (EU) cấm dầu thô của Nga được vận chuyển bằng đường biển, giá dầu tiếp tục giảm. Từ tháng 1-5/2023, giá dầu Brent giảm 16%, xuống khoảng 75 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Tuy nhiên, lạm phát giá lương thực trong nước thường vẫn cao do một số yếu tố như giá hàng nhập khẩu cao, tình trạng gián đoạn nguồn cung trong nước và những điểm yếu của thị trường. Theo Ngân hàng Thế giới, lạm phát giá lương thực vào đầu năm 2023 vẫn trên 5% tại khoảng 90% các nền kinh tế đang phát triển.

Dù hạ nhiệt trong những tháng gần đây, lạm phát được cho là sẽ vẫn vượt mức mục tiêu khoảng 2% của các ngân hàng trung ương trong năm 2023. Lạm phát trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 7,5% trong năm 2022, xuống 5,2% trong năm 2023, chủ yếu nhờ giá năng lượng và thực phẩm giảm cùng với nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn trên mức trung bình 3,1% trong giai đoạn 2000-2019.

Tại các quốc gia phát triển, lạm phát cơ bản được cho là sẽ giảm từ 7,8% trong năm 2022 xuống 4,8% trong năm 2023, nhưng vẫn ở mức trên mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương.

Tại Mỹ, lạm phát cơ bản hạ nhiệt. Lạm phát hạ xuống 4,9% trong tháng 4/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 và giảm xuống 4% trong tháng 5/2023, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Điều này cho thấy tình hình lạm phát tại Mỹ đang tiếp tục đi vào quỹ đạo.

Tại Eurozone, lạm phát giảm xuống 8,3% vào tháng 3/2023. Sang tháng 5/2023 tỷ lệ lạm phát đã giảm đáng kể, xuống còn 6,1%, so với mức 7% của tháng 4/2023, và thấp hơn so với dự báo của giới chuyên gia ở mức 6,3%.

Ở hầu hết các quốc gia đang phát triển, lạm phát cũng đang có xu hướng giảm khi giá hàng hóa hạ và những căng thẳng về nguồn cung cùng với sức ép xuống giá của đồng tiền giảm đi. Tuy nhiên, lạm phát hàng năm vẫn trên mức trung bình dài hạn, đặc biệt là tại Tây Á, Nam Á và châu Phi.

Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn

Nhiều ngân hàng đã giảm tốc độ tăng lãi suất, khi lạm phát cơ bản bắt đầu giảm. Tại Mỹ, Fed chỉ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng Một, Hai và Năm, và dừng tăng trong tháng Sáu, sau khi tăng vài lần 75 điểm cơ bản trong năm 2022. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng chỉ tăng 25 điểm cơ bản vào tháng Năm sau ba lần tăng 50 điểm cơ bản liên tiếp. Ngân hàng trung ương tại một số quốc gia đang phát triển cũng có cách tiếp cận thận trọng hơn, trong khi các ngân hàng khác, đặc biệt là tại Mỹ Latinh, đã dừng tăng lãi suất.

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Biến động gần đây trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ và châu Âu đã đặt ra sự lựa chọn giữa việc tăng lãi suất và bảo đảm sự ổn định tài chính. Một thập kỷ thực hiện chính sách tài chính siêu nới lỏng và lãi suất gần 0% đã khuyến khích việc sử dụng đòn bẩy quá mức trong lĩnh vực tài chính. Lãi suất bất ngờ tăng đã làm lộ sự thiếu kết nối giữa tài sản và thanh khoản và đặt lĩnh vực tài chính trước rủi ro lớn.

Quan điểm về chính sách tiền tệ được cho là sẽ phân hóa. Fed được cho là sẽ tăng lãi suất 1-2 lần từ nay đến cuối năm, trong khi ở Eurozone, lãi suất có thể đạt đỉnh trong quý III/2023. Việc các nền kinh tế phát triển dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ cho phép ngân hàng trung ương một số quốc gia đang phát triển điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong khi các ngân hàng khác sẽ tiếp tục tăng lãi suất khi lạm phát vẫn cao dai dẳng.

Tăng trưởng kinh tế có thể không giảm tốc mạnh như dự kiến

Trong khi triển vọng kinh tế vẫn yếu, sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2023 có thể ít nghiêm trọng hơn dự kiến trước đây, chủ yếu nhờ chi tiêu tiêu dùng cải thiện tại Mỹ và EU, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc và các dự báo trước đây đối với Ấn Độ không thay đổi. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện được dự báo sẽ giảm từ 3,1% vào năm 2022 xuống 2,3% vào năm 2023, so với mức dự báo 1,9% được đưa ra hồi tháng Một.

Sự cải thiện trong triển vọng tăng trưởng của toàn cầu năm 2023 chủ yếu phản ánh sự điều chỉnh ở các quốc gia phát triển và Trung Quốc.

Tại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư phi nhà ở khả quan hơn dự kiến, đưa đến việc nâng dự báo tăng trưởng lên 1,1% trong năm 2023, từ mức 0,4% được đưa ra hồi tháng Một. Tăng trưởng GDP quý I/2023 của nước này theo số liệu lần 3 đạt 2%, cao hơn so với mức 1,3% công bố hồi tháng 5/2023 và cao hơn 0,3% so với dự báo của các hãng phân tích.

Tại châu Âu, nhờ giá khí đốt giảm và chi tiêu tiêu dùng mạnh, đặc biệt là cho dịch vụ, kinh tế Eurozone được dự báo tăng trưởng 0,9% trong năm 2023, so với mức dự báo 0,2% hồi tháng Một. Kinh tế Eurozone đã rơi vào suy thoái kỹ thuật vào đầu năm nay khi giảm 0,1% trong quý I/2023, sau khi giảm ở mức tương tự trong quý IV/2022.

Tại Trung Quốc, sau khi dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch vào tháng 12/2022, kinh tế nước này đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến hồi quý I/ 2023, đạt mức 4,5%. Mức tăng trưởng cả năm được dự báo ở mức 5,3%, so với dự báo trước là 4,8%.

Lê Minh  (TTXVN)
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, kết nối với nền kinh tế toàn cầu
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, kết nối với nền kinh tế toàn cầu

Đồng hành cùng với nỗ lực của Chính phủ trong thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, là sự đóng góp của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME)  do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ trong suốt 5 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN