Kinh tế tiến gần đến đích

Đánh giá tình hình kinh tế 9 tháng năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, trong đó quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước.

Thu hoạch chè ở xã Bản Giang, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN

Chỉ còn chặng đường 3 tháng nước rút cho đoàn tàu kinh tế về đích năm 2016. Mặc dù kinh tế Quý III đang có xu hướng khởi sắc nhưng trước những thách thức đang đặt ra, mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn vô cùng khó khăn. 

Với tư tưởng chỉ đạo phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất giữ mức tăng trưởng cả năm từ 6,3% đến 6,5%.

Lấy lại đà tăng trưởng

Đánh giá tình hình kinh tế 9 tháng năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng; trong đó quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước. Theo đó, tăng trưởng GDP quý III đã đạt tốc độ tăng khá 6,4%, cao hơn quý I tăng 5,48% và quý II tăng 5,78%.

Tính chung 9 tháng GDP tăng khoảng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%) nhưng đã cải thiện hơn rất nhiều so với 6 tháng đầu năm (5,52%).

Lạm phát 9 tháng năm 2016 vẫn giữ ở mức thấp, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, với kim ngạch ước đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015. Đa số các mặt hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2015; trong đó xuất khẩu dệt may – giày dép và điện thoại-linh kiện tiếp tục giữ vai trò chủ đạo.

Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Trong đó, chính sách tiền tệ vẫn đảm bảo yếu tố thận trọng để kiểm soát lạm phát. Tín dụng tăng trưởng khả quan và thấp hơn tăng trưởng huy động vốn.

Đến ngày 20/9, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,46% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo. Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định. Một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.

Trong 9 tháng qua đã ghi nhận một số ngành, lĩnh vực có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể ngành nông nghiệp từ mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm đã tăng 0,7% trong 9 tháng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tuy tăng 7,4% thấp hơn mức tăng 9,9% cùng kỳ, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm mạnh nhưng các ngành công nghiệp khác vẫn phát triển tốt.

Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước đạt 10,4% tiếp tục là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/9/2016 tăng 9% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 9,9% cùng kỳ năm trước.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Điểm nổi bật trong 9 tháng qua, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là Chính phủ đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp với sự quyết tâm cao chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ kiến tạo, hành động bằng việc ban hành nhiều chương trình hành động hướng vào doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là trọng tâm phát triển kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả số lượng và số vốn đăng ký.

Cụ thể trong 9 tháng có gần 81.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 629 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và 49,5% về số vốn đăng ký.

Cả bộ máy phải chuyển động


Nhấn mạnh những khó khăn còn tiếp tục tác động tới nền kinh tế từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng cho biết đó là thương mại toàn cầu có sự suy giảm lớn, trong nước ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu tại cả 3 miền, ngành khai khoáng tiếp tục tăng trưởng thấp do giá dầu thô giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Với những khó khăn này, Chính phủ cho rằng, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng từ 6,3% đến 6,5% sẽ là một yêu cầu rất lớn cần cả bộ máy chuyển động.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu mỗi thành viên Chính phủ phải có các biện pháp cụ thể để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn; đồng thời phải đổi mới cách làm phù hợp trong tình hình mới, nhất là những tồn tại kéo dài như nợ xấu, nợ công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài, sự chậm trễ phát triển các doanh nghiệp nội địa hay một số dấu hiệu trì trệ trong xây dựng cơ bản.

Theo đó, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường và thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế.

Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, đảm bảo chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu.

Trả lời báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, để đạt mục tiêu GDP năm 2016 tăng trưởng từ 6,3-6,5%, GDP Quý IV phải đạt từ 7,1 – 7,3% và điều này có thể đạt được.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C (Hà Nội). Ảnh: Thanh Huyền/TTXVN Phát

Theo vị chuyên gia này, để đạt được tốc độ trên, điều kiện cần là Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kiểm soát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng đó phải đề cập tới là cần tập trung cho ngành chế biến chế tạo; trong đó thúc đẩy sự tham gia tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài để bù đắp cho ngành công nghiệp khai khoáng vốn đang gặp khó khăn từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó là kích thích nhu cầu tiêu dùng bởi dù tổng mức bán lẻ có tăng khá tốt nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, chi cho đầu tư phát triển trong 9 tháng mới đạt hơn 50% dự toán cũng là điều kiện để có thể đẩy nhanh tiến độ và sẽ đóng góp cho tốc độ tăng trưởng.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành Trung ương và địa phương tập trung rà soát, làm rõ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong các tháng còn lại của năm nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư và nhà thầu đẩy nhanh việc nghiệm thu, quyết toán các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao đi vào sử dụng để thanh toán dứt điểm khối lượng đã thực hiện.

Theo Bộ Công Thương, để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tăng cầu nội địa, Bộ sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp về thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng. Cụ thể sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

Chung quan điểm về sự quan trọng của yếu tố điều hành, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, nếu thực hiện tốt nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 60/NQ-CP từ tháng 7 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 thì mục tiêu tăng trưởng trên là hoàn toàn đạt được.

Khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa đặt ra yêu cầu trên cương vị của mình các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hành động, năng động sáng tạo, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cũng như kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Thu Anh (TTXVN)
Tháng 11/2016 sẽ triển khai hoàn thuế điện tử tại 5 tỉnh, thành phố
Tháng 11/2016 sẽ triển khai hoàn thuế điện tử tại 5 tỉnh, thành phố

Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê Khai và Kế toán thuế, Tổng Cục Thuế, cơ quan này sẽ triển khai hoàn thuế điện tử tại 5 tỉnh, thành phố vào tháng 11/2016. Các địa phương cụ thể là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng và Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN