Báo cáo kinh tế quý II của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB - ngân hàng trung ương nước này) công bố ngày 16/7 cho biết, kể từ khi bắt đầu thực hiện phong tỏa toàn quốc cấp độ 5 (mức cao nhất) vào ngày 27/3 vừa qua, các hoạt động kinh tế gần như đình trệ, sản lượng giảm sâu, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, nhiều doanh nghiệp bị phá sản và hàng triệu lao động mất việc làm.
SARB cho biết, giá cổ phiếu giảm mạnh do giao dịch hoảng loạn trước những quan ngại về đại dịch đã ảnh hưởng lớn đối với giá trị tài sản của các hộ gia đình. Chỉ số chứng khoán chính của Nam Phi giảm 22% trong quý II năm nay - mức giảm sâu nhất kể từ quý III năm 1998. Đồng thời, dòng vốn đầu tư ra bên ngoài tăng vọt lên mức kỷ lục 5,85 tỷ USD - hệ quả từ tình trạng bán tháo nợ và chứng khoán của những người người không phải thường trú nhân, cũng như việc mua lại trái phiếu chính phủ phát hành quốc tế trị giá 1,6 tỷ USD.
Trong quý đầu tiên thực hiện phong tỏa, tài chính hộ gia đình bị tác động tiêu cực và có khả năng tình hình sẽ xấu hơn nhiều trong thời gian tới. Giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình giảm còn 330% thu nhập danh nghĩa sau thuế, so với mức 360% của quý IV năm 2019.
Trước đó, báo cáo khảo sát nhanh về thu nhập quốc gia được công bố ngày 15/7 cho biết, khoảng 3 triệu người đã mất việc làm trong tháng 4 và một phần ba số người lao động có thu nhập chưa được trả lương tháng 2 do bị mất việc hoặc bị sa thải. Thu nhập danh nghĩa trung bình của người lao động giảm còn 4,1% trong năm 2019 (năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/4 năm trước đến ngày 31/3 năm sau) từ mức 4,9% năm trước đó - mức thấp nhất kể từ năm 1970.
SARB đánh giá tài chính hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thất nghiệp tăng vọt và thu nhập của người lao động giảm, đặc biệt là trong các ngành không thiết yếu, trong khi việc thanh toán các khoản vay đến hạn vẫn tiếp diễn - điều này sẽ tác động tiêu cực đến mức cầu chung của nền kinh tế.