'Kinh tế dần đi vào ổn định nhưng vẫn có nhiều việc phải làm'

TS Nguyễn Đức Kiên (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc điều hành kinh tế. Mặc dù còn một vài tồn tại nhỏ, nhưng đến nay mọi thứ đang dần đi vào ổn định, CPI và lãi suất đều hạ nhiệt.

 

Ông đánh giá thế nào về tác động của các chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ thời gian qua, những điểm nổi bật và những vấn đề cần khắc phục?


Nhiệm kỳ Chính phủ mới đã làm được rất nhiều việc trong đó, quan trọng nhất là chúng ta đã ổn định được kinh vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.


CPI trong 2 tháng đầu năm tăng cao, tuy nhiên, tháng 3, 4, 5 xuống thấp dần và tháng 6 và 7 "âm". Giá đã giảm ở hầu hết các mặt hàng quan trọng, nhất là lương thực, thực phẩm, tạo thêm điều kiện để hạ lãi suất, thực hiện các chính sách về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.


Công ty Cổ phần may Sông Đà (Hòa Bình) chuyên gia công quần áo xuất khẩu giải quyết việc làm ổn định cho 400 công nhân. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Đây là thắng lợi của sự chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10% của cả năm 2012, dù tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các biến động của giá năng lượng và lương thực, thực phẩm có thể lên xuống thất thường, tạo ra áp lực chi phí đẩy lên nền kinh tế.


Đối với nhiệm vụ tăng trưởng hợp lý, việc không bơm M2 (tổng phương tiện thanh toán), không tăng dư nợ tín dụng đã giúp kinh tế tăng trưởng bằng thực lực chứ không phải vốn vay, đấy là điểm đã làm được.


Chúng ta cũng đã đảm bảo an sinh xã hội tốt thông qua việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện những chương trình, dự án và chính sách nhằm hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát.


Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình quốc gia hướng đến vùng nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, người có công, người nghèo và đối tượng khó khăn trong xã hội. Tập trung đầu tư, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các đối tượng khó khăn và Chương trình xây dựng nông thôn mới.


Như vậy có thể nói, Chính phủ trong năm đầu nhiệm kỳ đã làm tốt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, chủ yếu bằng các chính sách kinh tế vĩ mô khá đồng bộ.


Tuy nhiên, trong năm qua vẫn còn những vấn đề tồn tại. Chẳng hạn, chúng ta đã xác định được điểm nóng là cần phải tái cơ cấu 3 lĩnh vực chính bao gồm đầu tư công, DNNN và tài chính ngân hàng nhưng đến tháng 7 chúng ta mới ra được đề án tái cơ cấu DNNN.


Còn về điều hành chính sách tiền tệ đã thay đổi như thế nào và theo xu hướng nào, thưa ông?


Trong thời gian qua, chính sách tiền tệ đã được triển khai tương đối tốt, chúng ta đã xử lý được vấn đề giữa chính sách thắt chặt tiền tệ, cung tiền và tăng tín dụng. Tuy có thành công nhưng so với yêu cầu để ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo cho phát triển bền vững thì lãi suất hiện nay vẫn là quá cao so với các nước trong khu vực, điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của đội ngũ DN Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một bài toán vô cùng khó mà ngành ngân hàng với tư cách là chủ công trong lĩnh vực này phải làm được.


Bên cạnh đó, chúng ta vẫn áp dụng nhiều các biện pháp hành chính hơn là nghiệp vụ trong lĩnh vực ngân hàng. Đúng là trong những thời điểm khẩn cấp thì các biện pháp hành chính bao giờ cũng đem lại hiệu quả tức thời, nhưng sau đó cần phải có những chính sách khác điều chỉnh để củng cố thành công đó thì việc ban hành những chính sách ở tầm cao hơn là các Thông tư của ngân hàng thì lại chưa làm được.


Xin ông nhận định về tình hình kinh tế nói chung trong thời gian tới?


Thời gian qua chúng ta vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, không có biến cố lớn xảy ra trong nền kinh tế. Nhưng theo tôi có đạt được tốc độ tăng trưởng cao trên 6% hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.


Đầu tiên là yếu tố đối ngoại, xử lý cuộc khủng hoảng nợ công, trong đó sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản là rất quan trọng. Chúng ta cũng cần phải bình tĩnh nhìn nhận lại yếu tố nước ngoài, kinh tế Nhật Bản suy thoái 20 năm nay nhưng họ vẫn ổn định. Trong bối cảnh như thế hiệu quả đầu tư của các DN Nhật tại nước Nhật đều bị âm, cho nên Việt Nam cần phải tận dụng phong trào đầu tư ra nước ngoài của các DN Nhật.


Ngoài ra, cái quan trọng nhất là chúng ta phải tránh để chỉ số ICOR (đo lường hiệu quả đầu tư tính trên lượng vốn) ngày càng cao. Chỉ số ICOR càng cao đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế càng thấp. Vì vậy, mục tiêu là phải giảm chỉ số này về từ 3 - 4% mới thu hút được các nhà đầu tư.


Chúng ta cũng phải xác định được thị trường trọng điểm trong vòng 10 năm tới, bên cạnh thị trường EU, Nhật, Đông Bắc Á, Mỹ và Hàn Quốc. Theo tôi, chúng ta phải chọn thị trường phía Tây của Trung Quốc là thị trường trọng tâm của Việt Nam trong thời gian tới.


Còn vấn đề ở trong nước, chúng ta thấy nền kinh tế sẽ không có những xáo động lớn, các biện pháp trong tái cơ cấu của ngân hàng, DNNN, đầu tư công sẽ dần dần đi vào nề nếp.

 

Minh Phương

 


 


Thủ tướng phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài
Thủ tướng phê duyệt chiến lược nợ công và nợ nước ngoài

Vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ) dưới 4,5% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 tương đương khoảng 4% GDP và giai đoạn sau năm 2020 bình quân khoảng 3% GDP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN