Theo ông Vũ Văn Việt, trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp cũng đạt được kết quả tích cực, xuất khẩu nông sản tăng nhanh, gạo và rau quả cũng tăng đột biến. Chương trình xây dựng nông thôn mới, dù nhiều khó khăn nhưng cũng đạt kết quả khả quan. Giải ngân vốn đầu tư công tương đối cao. Đến ngày 30/6/2023, ước giải ngân 3.098,3 tỷ đồng, đạt 31,4% kế hoạch (cao hơn so với mức đạt 26% của 6 tháng đầu năm 2022 và thuộc Top 5 nhóm các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%.
Ông Vũ Văn Việt cho biết, đối với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tuy có sự sụt giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD.
Trong đó, nhóm hàng nông sản chính là điểm sáng khi đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%...
Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 01 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Trong nhóm này, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu; trong đó gạo tăng 22,2% về khối lượng và 34,7% giá trị xuất khẩu; hạt điều tăng 10,5% về khối lượng và 7,7% về giá trị xuất khẩu. Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam; trong đó giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%...
Trong bối cảnh, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp cũng chịu những tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, toàn ngành vẫn quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78% và hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%.
Theo đó, ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Đối với xuất khẩu, giải pháp xúc tiến thị trường là rất quan trọng, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Các nhóm hàng nông sản chính phấn đấu đạt 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD…