Giao dịch liên kết để trốn thuế
Theo các chuyên gia ngành thuế, việc chuyển giá thường xuất hiện ở các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Các doanh nghiệp thường ký các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu mua vào với đơn giá cao và ký hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu hàng hóa bán ra với đơn giá thấp nhằm tối đa hóa lợi nhuận và mục đích chính là ẩn lậu thuế bằng cách chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao sang nước có thuế suất thấp hơn… Một chiêu bài quen thuộc nữa là các công ty con trong tập đoàn sẽ dồn doanh thu cho công ty được hưởng ưu đãi thuế để giảm số thuế phải nộp. Nhiều doanh nghiệp khác còn lách bằng cách ngừng hoạt động hoặc giải thể khi hết ưu đãi, sau đó lập công ty khác để hưởng ưu đãi từ đầu...
Kiểm tra mặt hàng thịt lợn nhập ngoại tại siêu thị Metro. |
Bà Lê Thị Thu Hương - Cục phó Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian gần đây, có rất nhiều nghi án doanh nghiệp gian lận, trốn thuế lớn nhưng Cục thuế mới chỉ thanh tra được theo chuyên đề đối với các doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp có giao dịch liên kết… “hai vụ được phát hiện gần đây là việc trốn thuế chuyển nhượng vốn với số tiền rất lớn tại Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ (chuyển nhượng vốn 65 triệu USD) và Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phở 24 (24 triệu USD). Mặc dù chuyển nhượng với giá “khủng” nhưng qua kiểm tra tờ khai tại cơ quan thuế thì phát hiện số thuế hai công ty này nộp vào NSNN rất ít. Sau khi thanh tra, ngành đã xử lý thuế chuyển nhượng tại Công ty Y khoa Hoàn Mỹ 156 tỷ đồng và Công ty Sản xuất Thương mại dịch vụ Phở 24 hơn 17,8 tỷ đồng”, bà Hương nói.
Quay lại vụ việc Metro Cash& Carry Việt Nam, một cán bộ của TCT cho rằng: Vi phạm đáng chú ý nhất của đại gia bán lẻ ngoại này là hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức. Tổng số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải giảm sau thanh tra là 335 tỷ đồng. Theo TCT, Metro Việt Nam và công ty mẹ, Metro tại Đức có ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu ngay từ khi mới đầu tư ở Việt Nam. Hàng năm, Metro Việt Nam phải trả cho công ty mẹ ở Đức một khoản tiền khá lớn… Nhờ "gửi giá" ở công ty mẹ trong các đợt thanh toán tiền bản quyền thương hiệu, Metro có khoản lỗ chênh lệch bất hợp lý là 245 tỷ đồng.
Nâng cao hiệu quả khung pháp lý
Theo ông Nguyễn Đẩu, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (TCT), để hạn chế được doanh nghiệp chuyển giá, cần phải hiểu kỹ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp rồi xem xét chủ đầu tư đứng tên ở đâu. Chẳng hạn, một doanh nghiệp ở các “thiên đường thuế”, đơn cử như Hà Lan vào Việt Nam thì dễ “có vấn đề”. TCT đã có bộ phận thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp nên thông tin từ các doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đến từ “thiên đường thuế” cũng được quan tâm.
“Với khung pháp lý hiện nay, việc quy định về phí nhượng quyền thương mại đang có bất cập và TCT dự kiến đề xuất sửa một số quy định. Ví dụ: Không có lý gì công ty mẹ sở hữu 100% vốn của công ty con nhưng vẫn tính phí nhượng quyền thương mại. Nếu có, chúng ta cũng nên khống chế tỉ lệ tối đa trên doanh thu hoặc chi phí mà doanh nghiệp được trả cho việc nhượng quyền thương mại. Chứ như hiện nay họ ký với nhau bao nhiêu thì được thoải mái chi trả”, ông Đẩu nói.
Năm nay ngành thuế sẽ tập trung vào 15- 20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá trong tổng số các doanh nghiệp kiểm tra. |
Theo bà Lê Thị Thu Hương, để tìm ra bằng chứng việc trốn thuế chuyển nhượng của doanh nghiệp, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư kiểm tra giám sát hoạt động chuyển nhượng vốn, thu thập tất cả các thông tin liên quan đến việc thay đổi giấy phép của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; kiểm tra kỹ hồ sơ kê khai thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp qua từng thời kỳ nhằm xác định việc chuyển nhượng vốn. “Giải pháp này tuy chưa mang lại hiệu quả về số truy thu thuế nhưng đánh vào ý thức của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp FDI trên địa bàn trước kia hay kê khai lỗ thì nay đã kê khai có lãi”, đại diện Cục thuế TP Hồ Chí Minh nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Công tác chống chuyển giá có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cơ quan chức năng nhận thức vấn đề này ra sao? có quyết tâm xử lý hay không?; xây dựng thể chế, cơ chế ra sao bởi luật đưa ra cũng phải đạt đến trình độ cao thì mới chống được chuyển giá. Việt Nam cần tăng cường lực lượng điều tra về chống chuyển giá, thậm chí là tình báo thuế vì ở các nước tiên tiến đều có cơ chế này và họ làm rất hiệu quả. Điều này khiến các công ty kinh doanh tại đó rất ngại ngành thuế.
Một số ý kiến cho rằng, việc công khai các doanh nghiệp nghi vấn trốn thuế hoặc có nguy cơ xấu cần được tiến hành để người dân, đối tác, cơ quan chức năng cùng giám sát. Chế tài xử phạt phải tăng nặng, như nhiều quốc gia đã áp dụng: Có quốc gia phạt 50% số thuế doanh nghiệp trốn được; có quốc gia phạt tới 300% số tiền gian lận…
Hải Yên- Minh Phương