Chống chuyển giá nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư nước ngoài hiện vẫn là thách thức với Việt Nam. Bởi dù đã nỗ lực hết sức trong hơn một năm qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có đủ bằng chứng xác đáng để “chỉ mặt, đặt tên” những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sai phạm trong khi “danh sách đen” ngày một dài thêm các doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhưng vẫn mạnh tay đầu tư mở rộng sản xuất.
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về chống chuyển giá ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ với báo giới về vấn đề chống chuyển giá ở doanh nghiệp FDI.
´Trong hơn một năm qua, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành đã được thực hiện với các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể có được kết luận cuối cùng. Vậy theo Cục trưởng, đâu là giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để hoạt động chống chuyển giá mang lại hiệu quả?
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng Đề án chống chuyển giá trình Chính phủ. Tuy nhiên, do hoạt động chống chuyển giá rất phức tạp, có liên quan nhiều đến các nội dung thuế, hải quan và quản lý doanh nghiệp nên Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì và tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có phương án triển khai cụ thể. Tới đây, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng thực hiện một loạt các mục tiêu như: Hoàn thiện khung pháp lý về chống chuyển giá; tuyên truyền mạnh hơn về chống chuyển giá; xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ phát hiện cũng như xử lý các vấn đề về chuyển giá; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu so sánh giá với các nước xung quanh.
Tôi cho rằng đây là những mục tiêu không hề đơn giản, nhất là mục tiêu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu so sánh giá với các nước xung quanh. Trong năm 2013, hai Bộ sẽ hợp tác để sớm ban hành quy định pháp luật về chống chuyển giá cũng như tiếp tục phối hợp thực hiện các cuộc kiểm tra chuyên đề chống chuyển giá.
´Theo nhiều chuyên gia, do thực hiện quy định phân cấp đầu tư, việc quản lý giám sát doanh nghiệp FDI hiện tồn tại nhiều bất cập, nhất là ở khâu thẩm định, cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp FDI. Quan điểm của Cục trưởng về vấn đề này như thế nào?
Thực hiện chủ trương phân cấp đầu tư, kể từ năm 2006 đến nay, Cục Đầu tư nước ngoài chỉ còn cấp phép đầu tư cho các dự án BOT do các Bộ triển khai hoặc là các dự án BOT liên quan tới hai bộ hoặc hai tỉnh; còn lại phân cấp hết cho UBND các tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư theo đúng Luật Đầu tư sửa đổi năm 2006. Theo đó, chức quản lý, giám sát các dự án đầu tư cũng được phân cấp cho các cơ quan chức năng địa phương nên việc xử lý các phát sinh thực là bài toán khó.
Trước các bất cập này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ chỉnh sửa một số nội dung phân cấp chặt chẽ hơn như một số dự án cần phải thu hẹp đưa lên cơ quan Trung ương để thẩm tra, thẩm định. Tuy nhiên, những dự án này tới đây sẽ không đưa về Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép. Khi thẩm định các dự án có quy mô lớn, có tác động lớn, thẩm quyền quyết định đầu tư là của Quốc hội và Chính phủ sau khi đã thực hiện đầy đủ quy trình thẩm tra chặt chẽ dự án với sự tham gia của các bộ, các ngành; trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
´Nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động chống chuyển giá thực hiện hiệu quả, cơ quan chức năng cần đề ra các tiêu chí cụ thể về hiệu quả kinh doanh đối với doanh nghiệp FDI, nếu lỗ liên tiếp nhiều năm thì có thể rút giấy phép đầu tư. Cục trưởng có đồng tình với các ý kiến này?
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thì việc doanh nghiệp lỗ là dễ xảy ra. Vì vậy, nếu doanh nghiệp FDI bị lỗ vài năm liền mà chúng ta đã rút giấy phép đầu tư thì môi trường đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.
Theo tôi, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI làm ăn chưa hiệu quả cũng như “mạnh tay” với doanh nghiệp trốn thuế, chuyển giá, giải pháp quan trọng là tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời theo hai hướng: Nếu nhà đầu tư gặp khó khăn khách quan thực sự thì chúng ta cần hỗ trợ, chia sẻ ngay. Tuy nhiên, nếu có biểu hiện vi phạm pháp luật thì phải kịp thời xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép đầu tư.
Trong tháng 1 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư FDI đến năm 2020 trình lên Chính phủ. Theo đó, các bộ, các ngành sẽ cùng phối hợp để đề ra các tiêu chí cụ thể, phù hợp nhằm thu hút các dòng vốn FDI tốt, loại bỏ các dự án FDI kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết này cũng quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan liên quan cũng như đề ra cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát sau cấp phép từ Trung ương đến địa phương để hoạt động quản lý đầu tư FDI đạt hiệu quả, góp phần khơi dậy nguồn lực đầu tư và phương thức đầu tư mới có sức lan tỏa rất cao này.
Thúy Hiền - Kim Anh