Những năm gần đây xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP Hồ Chí Minh liên tục báo cáo thua lỗ kéo dài nhiều năm, thậm chí một số DN có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng phát triển kinh doanh. Điều này cho thấy, có dấu hiệu không bình thường của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, việc phát hiện và xử lý các DN có tình trạng chuyển giá không dễ dàng.
Nhiều hình thức gian lận
Theo thống kê về tình hình kê khai thuế tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2013 có khoảng 1.838 DN FDI có hoạt động đầu tư vào công ty con và công ty liên kết. Qua công tác quản lý thuế, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh nhận thấy có dấu hiệu chuyển giá tại các DN này. Cụ thể, các DN này có hiện tượng ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ mua nguyên vật liệu với đơn giá cao nhưng lại ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ, nguyên vật liệu hàng hóa bán ra với đơn giá thấp nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Mục đích chính là trốn thuế bằng cách chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cao sang các nước có thuế suất thuế TNDN thấp.
Tư vấn cho doanh nghiệp nộp thuế tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Ngoài ra, một số DN FDI đã sử dụng hình thức tài trợ bằng nghiệp vụ vay từ công ty mẹ, các công ty con tạo ra cơ cấu vốn và nguồn vốn bất hợp lý. Theo đó, DN dùng nguồn vốn vay từ công ty mẹ để tài trợ cho tài sản cố định và tài sản đầu tư dài hạn mà không tăng vốn góp và vốn chủ sở hữu. Mục đích nhằm đẩy chi phí hoạt động tài chính lên cao như chi phí chênh lệch tỷ giá, chi phí lãi vay... sau đó chuyển một phần lợi nhuận về nước dưới dạng lãi vay, chi phí bảo lãnh vay vốn để tránh thuế, tránh lỗ do chênh lệch tỷ giá. Một hình thức gian lận khác là công ty mẹ hỗ trợ chi phí bán hàng cho các công ty con để công ty con thực hiện chương trình quảng cáo toàn cầu nhằm giảm chi phí quảng cáo khống chế theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành.
Ngoài ra, việc chuyển nhượng vốn góp trong các DN trong thời gian qua diễn ra thường xuyên dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Mua cổ phần, đầu tư, sát nhập, giải thể... Tuy nhiên, việc kê khai nộp thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN về chuyển nhượng vốn chưa được cá nhân, tổ chức quan tâm. Chủ yếu việc kê khai chỉ thực hiện khi cá nhân tổ chức có nhu cầu cần xác nhận của cơ quan thuế để hoàn thành các thủ tục pháp lý tại các cơ quan khác. Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, thừa nhận rằng vì rất khó xử lý DN chuyển giá nên năm 2013 qua thanh kiểm tra, Cục Thuế chỉ mới phát hiện và xử lý được 33 DN sai phạm. Theo đó, đã điều chỉnh giảm lỗ 511,70 tỷ đồng, giảm khấu trừ 13,28 tỷ đồng, truy thu 81,79 tỷ đồng, truy hoàn 2,64 tỷ đồng tại các DN sai phạm này.
Kiểm soát chặt việc chuyển giá
Nắm được những hành vi chuyển giá tinh vi của các DN FDI, ông Nguyễn Đình Tấn cho biết, Cục Thuế đã tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn.
Đối với các DN có giao dịch liên kết, Cục Thuế yêu cầu DN tự xác định lại giá giao dịch sản phẩm cho tất cả các đối tác đã thực hiện, đối chiếu thông tin từ các DN có sản phẩm tương đồng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trong năm của các DN cùng ngành nghề. Từ đó, có cơ sở so sánh giá và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế cho những năm đã kê khai thuế đối với sản phẩm có giá giao dịch liên kết khác với giá của các đơn vị có giao dịch độc lập.
Đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, qua kiểm tra tình hình thực tế tại các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc chuyển nhượng vốn thường được các bên thỏa thuận bằng “hợp đồng”, sau đó làm các thủ tục liên quan để thay đổi tên các thành viên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ đây, việc mua bán thể hiện qua nhiều hình thức mà cơ quan thuế chưa thể kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ. Cụ thể như các trường hợp của Công ty CP hàng tiêu dùng Masan, Công ty PT Global Investment, Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh BĐS Ê Ke, CTCP TM - DV Phở 24, CTCP Y khoa Hoàn Mỹ...
Để minh bạch việc quản lý và kiểm tra việc kê khai thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại, ông Nguyễn Đình Tấn cho rằng, đặc thù của hoạt động chuyển nhượng vốn thường qua nhiều khâu trung gian, với sự tham gia của nhiều chủ thể. Tuy nhiên, để kịp thời đưa các hoạt động này vào quản lý chặt chẽ, hiệu quả, nhất thiết phải ban hành bổ sung quy định bắt buộc DN có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác phải lập hóa đơn GTGT để kê khai thuế GTGT (thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT) và nộp thuế TNDN theo quy định.
Đối với DN nhận chuyển nhượng vốn của DN khác nếu không có hóa đơn hợp pháp thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN giá vốn nhận chuyển nhượng. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định buộc DN có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng...
Theo ông Nguyền Đình Tấn, cơ quan thuế các địa phương cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động chuyển nhượng vốn và nhượng quyền thương mại, vừa đảm bảo sự công bằng đối với những đối tượng đang đóng thuế một cách đầy đủ, vừa tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.
Hải Yên