Nhiệm vụ cấp bách cần phải làm ngay là tỉnh kêu gọi chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân thực hiện tốt Kế hoạch hành động 180 ngày của Chính phủ chống IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng, xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU.
Đồng thời, không đưa tàu cá đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài; đảm bảo đầy đủ các thủ tục hành chính trước khi đưa tàu đi đánh bắt cá; mở liên tục thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) trong suốt thời gian đánh bắt cá trên biển; thực hiện đúng quy định về cập cảng, chất hành việc giám sát lên hàng của cơ quan chức năng.
Theo kế hoạch, đến tháng 4/2023, đoàn thanh tra của EC sẽ trở lại kiểm tra và Việt Nam phấn đấu gỡ thẻ vàng ngay trong năm 2023, điều này phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của ngư dân trong thời gian tới. "Chỉ cần còn 1 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC cũng không gỡ thẻ vàng", nội dung thư nhấn mạnh.
Thư kêu gọi này được Ban chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang in ấn, cung cấp cho các sở, ngành và huyện, thành phố cấp phát đến các tổ chức, cá nhân có liên quan, phục vụ tuyên truyền chống IUU theo khuyến nghị của EC.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao, Phó trưởng Ban Chỉ đạo về IUU của tỉnh cho biết, tỉnh mở đợt tuyên truyền hành động cao điểm 180 ngày chống IUU và thực hiện các khuyến nghị của EC về chống IUU trên địa bàn.
Tỉnh xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố sát hợp với tình hình thực tế và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tỉnh tổ chức thăm hỏi một số chủ tàu có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, vận động chủ tàu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khi tham gia khai thác thủy sản.
Thời gian tới, Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương có biển, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 34-NQ/TU, ngày 13/7/2020 của Tỉnh ủy về tăng cường các giải pháp quản lý ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái pháp luật, kế hoạch của UBND tỉnh về chống IUU, phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về phòng, chống IUU trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục những hạn chế yếu kém, nhất là việc buông lỏng đăng ký, đăng kiểm, quản lý tàu cá và ngư trường. Đồng thời phối hợp đấu tranh, phòng ngừa và xử lý vi phạm, quản lý, kiểm soát chặt chẽ vùng khai thác thủy sản, tàu cá xuất, nhập bến, xử lý kịp thời, nghiêm minh tàu cá vi phạm về chống IUU. Tổ chức và hướng dẫn chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật.
Mặt khác, tỉnh kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá, thường xuyên tuần tra, kiểm soát ở các khu vực giáp ranh, khu vực chồng lấn vùng biển giữa Việt Nam với các nước để kịp thời ngăn chặn tàu cá trong nước vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, ngăn chặn hành vi bắt giữ tàu cá trái phép trong vùng biển chưa phân định, còn chồng lấn.
Tỉnh kiến nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ, bản án xét xử các trường hợp tàu cá, ngư dân bị các nước bắt giữ, cung cấp về địa phương để có cơ sở xử lý trong nước chính xác, đúng quy định pháp luật.
Tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đối với chủ tàu cá đánh bắt vùng khơi, vì đối tượng này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do hoạt động kém hiệu quả.