Chiều 3/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp triển khai cấp bách việc ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, một trong những khó khăn trong công tác phòng chống dịch hiện nay là đa số các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ đều không đảm bảo điều kiện theo quy định dẫn đến việc quản lý đàn lợn nhập về rất khó quản lý, gây khó khăn trong việc phòng chống dịch. Cụ thể, toàn tỉnh có 269 cơ sở giết mổ mà chỉ có 34 cơ sở được cấp phép; trong đó, có 9 cơ sở giết mổ tập trung. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi.
Để kiểm soát chặt đầu vào, nhất là lợn được nhập từ các địa phương có dịch, ngành nông nghiệp đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiên quyết không cho nhập lợn về cơ sở và tổ chức hoạt động giết mổ đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện giết mổ.
Ông Phan Văn Tấn cho hay, trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các địa phương nên tạm ngưng không cho các lò giết mổ không đảm bảo theo quy định của pháp luật hoạt động; đồng thời, các tổ kiểm tra liên ngành và các xã, phường, thị trấn kiên quyết xử lý đối với các phương tiện vận chuyển heo về cơ sở giết mổ không đúng với địa chỉ cơ sở ghi trong giấy kiểm dịch; tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì phương tiện vận chuyển, đánh tráo số lượng lợn…
Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương rà soát lại vật chất, nhân lực, vật tư, thuốc sát trùng tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời và thực hiện báo cáo 3 lần/ngày về tình hình kiểm soát vận chuyển lợn ra vào tỉnh. Các địa phương, các ngành phải coi công tác kiểm soát vận chuyển lợn tại các trạm là giải pháp tối ưu và then chốt nhất để chống dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh hiện nay.
Bên cạnh đó, các địa phương rà soát và kiểm tra lại các cơ sở giết mổ không có giấy phép, các cơ sở giết mổ cấp phép tạm thời để có biện pháp cho tạm ngừng hoặc giảm tổ chức giết mổ; đồng thời, quản lý chặt nguồn lợn nhập vào tỉnh để giết mổ cũng như quy trình khử trùng giết mổ an toàn… Các huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tác hại nếu để dịch bệnh xảy ra, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, giết mổ các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các cơ sở nhỏ, lẻ. Ngoài ra, các địa phương chuẩn bị sẵn phương án đối phó tình huống xấu nhất khi dịch bệnh xảy ra…
*Tại tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh Cà Mau đang tích cực đôn đốc, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, các địa phương đã xảy ra bệnh dịch gồm: huyện Phú Tân và huyện Ngọc Hiển khẩn trương rà soát, bố trí ngay các chốt kiểm soát tại các tuyến đường thủy và đường bộ (kênh, rạch, cửa sông thông ra biển) tiếp giáp giữa các xã có ổ dịch, vùng dịch huy hiếp nhằm để kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch, ngăn chặn phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch…
UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện kể trên tiến hành điều tra lại, xác định cụ thể tổng đàn lợn trong vùng bệnh dịch; tổ chức tổng vệ sinh, thực hiện tiêu độc, khử trùng đúng phương pháp, phạm vi và tần suất quy định; siết chặt quản lý giết mổ và tiêu thụ sản phẩm từ lợn phải được thực hiện theo đúng quy định của cơ quan Thú y; tiến hành theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định để xác định vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cấp xã, phường, thị trấn khẩn trương thực hiện công tác vệ sinh Thú y tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn và các điểm bán thịt lợn trên địa bàn theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chính khẩn trương triển khai, hướng dẫn trình tự thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, Cà Mau phát động các tổ chức hội, hội viên, đoàn viên thuộc Ban, ngành, đoàn thể cùng góp sức tham gia giám sát hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, mua bán lợn và sản phẩm lợn. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường đối với lợn nuôi, đối với việc vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn trên địa bàn thì phải báo ngay đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
*Tại tỉnh Đắk Lắk, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đắk Lắk, Thủy Lệ Vũ cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm ba ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Ea Rốk và đồn biên phòng Yok Mbre, xã Ea Bung, huyện Ea súp.
Đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk ghi nhận 4 ổ dịch tả lợn châu Phi tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp, tổng số lợn tiêu hủy là 149 con.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và thú y cấp hóa chất, vôi bột cho các địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng. Tỉnh Đắk Lắk tăng cường lực lượng lập chốt kiểm dịch động vật tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (khu vực tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông); cửa khẩu Đắk Ruê, xã Ea Bung, huyện Ea Súp; kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp bán tháo lợn, tiêu thụ lợn bị bệnh trong và ngoài vùng dịch.
*Chiều 3/6, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết các lực lượng chức năng vừa phát hiện bệnh tả lợn châu Phi tại địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
Theo báo cáo số 253/BC-UBND ngày 1/6 của UBND huyện Hòa Vang, qua kiểm tra các mẫu lợn tại hộ ông Dương Thành Châu (thôn Hội Phước, xã Hòa Phú) và hộ ông Nguyễn Đức (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) đã phát hiện các mẫu kết quả dương tính với bệnh tả lợn châu Phi. UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, thực hiện các quy định về phòng chống dịch. Mặc dù phát hiện 2 ổ dịch bệnh trên nhưng số lợn mắc bệnh không nhiều, còn lẻ tẻ nên UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, tiêu hủy nhanh gọn và phòng chống lây lan.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 3/6, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 3.508 xã, 337 huyện của 52 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.167.289 con. Ngoài ra, đã có 112 xã thuộc 61 huyện của 24 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.