Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan nhanh 

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 3/6, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 3.508 xã, 337 huyện của 52 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.167.289 con. Ngoài ra, đã có 112 xã thuộc 61 huyện của 24 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Chú thích ảnh
Tiêu hủy ổ dịch tả lợn châu Phi của gia đình ông Nguyễn Duy Chuyên, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Danh sách 52 tỉnh, thành phố có dịch gồm: Hà Nội, Hà Nam, Điện Biên, Ninh Bình, Nam Định, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Hậu Giang, Hà Giang, Vĩnh Long, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Định và Kon Tum.

Theo nhận định của ngành thú y tỉnh Bạc Liêu, dù bệnh dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện trên địa bàn trong 4 ngày qua nhưng diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng ra toàn địa bàn.

Nguyên nhân là do việc vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn từ vùng có dịch sang vùng không có dịch chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, do tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, người dân chưa thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học; chưa xây dựng được vùng, cơ sở an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, Bạc Liêu đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường làm suy giảm sức đề kháng của gia súc, tạo điều kiện cho vi rút phát sinh, phát triển thành dịch bệnh…

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định, mặc dù tỉnh thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm cao nhưng dịch bệnh vẫn xâm nhập và tái phát. Điều này cho thấy, khâu kiểm soát vận chuyển, mua bán, giết mổ còn nhiều kẽ hở. Nhiều chốt kiểm dịch, phun xịt hóa chất còn mang tính hình thức. Đáng chú ý là ổ dịch tại Trại lợn giống của tỉnh ở xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi - nơi có quy trình kỹ thuật chăn nuôi ở được kiểm soát khá nghiêm ngặt nhưng vẫn xảy ra dịch bệnh, với tổng đàn lợn tiêu hủy gần 200 con. Cùng đó, khâu kiểm soát giết mổ, mua bán chạy chợ cũng chưa tốt mặc dù tại các lò giết mổ đã được bố trí cán bộ thú y trực 24/24 giờ. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Bạc Liêu cho thấy, tính đến trưa ngày 3/6, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 6 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 3 xã gồm: Châu Thới, Châu Hưng A và Long Thạnh của huyện Vĩnh Lợi với số lợn tiêu hủy là 387 con. Ngoài ra, địa phương còn ghi nhận nhiều nơi có lợn chết và đang được ngành thu ý lấy mẫu xét nghiệm, xác định bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống vùng dịch kiểm tra, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh; thực hiện các giải pháp thú y phun xịt thuốc, tiêu độc sát trùng môi trường. Tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền,  kiểm soát chặt khâu vận chuyển, giết mổ, mua bán; khuyến cáo người chăn nuôi không giấu bệnh, khi phát hiện lợn bệnh không mua thuốc điều trị và phải tiêu hủy ngay.

Trong khi đó, tại tỉnh Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp, khó lường; việc phòng chống dịch không đơn giản vì tập quán nuôi lợn của nhiều hộ dân tại địa phương lạc hậu, phương thức nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 80%. Tại Nghệ An, tuy hiện nay nhiều địa phương vẫn duy trì các trạm chốt chặn, nhưng do lực lượng mỏng, địa hình phức tạp nên việc kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn từ ngoài tỉnh vào địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý yêu cầu các ngành, địa phương phải thực hiện phòng chống dịch tả lợn châu Phi nghiêm túc hơn; trong đó có việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch. Cùng với đó tỉnh sẽ kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch ở cấp tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, tính đến ngày 3/6, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 272 hộ nuôi ở 66 xã, thuộc 14 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Nghệ An; đã có 1.598 con lợn, tổng trọng lượng trên 64 tấn bị tiêu hủy. Hiện nay tại Nghệ An vẫn đang có 58 xã thuộc 11 huyện đang xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Đối với tỉnh Kon Tum, sau khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện biên giới Ia H’Drai vào cuối tháng 5, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu UBND huyện Ia H'Drai phải sớm khống chế dập tắt ổ dịch; huy động lực lượng triển khai vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh tại vùng dịch và các địa phương khác.

Ngoài ra, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu huyện Ia H’Drai tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc trong những vùng bị bệnh; quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn ra vào địa bàn huyện; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ trên địa bàn theo quy định.

Chú thích ảnh
Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực có ổ dịch tả lợn châu Phi ở xã Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

UBND tỉnh giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum khẩn trương phối hợp với UBND huyện Ia H'Drai tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, không để bệnh lây lan ra diện rộng; hỗ trợ vật tư, hóa chất để triển khai tiêu độc, khử trùng ổ dịch bệnh...

Theo báo cáo của UBND huyện Ia H'Drai, đến nay cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 72 con lợn. Huyện Ia H’Drai đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; Huyện chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum phun thuốc khử trùng tiêu độc, rải vôi và triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch.

Ngoài ra, huyện Ia H’Drai cũng tăng cường lực lượng tham gia chốt kiểm soát động vật tại chốt kiểm soát liên ngành đường bộ Sê San 4; Thành lập tổ chốt chặn tại cầu Ia Tri (giáp huyện Sa Thầy) để ngăn chặn việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn.

Hoàng Tùng - Huỳnh Sử - Nguyễn Văn Nhật - Cao Nguyên (TTXVN)
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Kon Tum và Bạc Liêu
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Kon Tum và Bạc Liêu

Theo xác nhận từ cơ quan thú y các địa phương ngày 1/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại hai tỉnh Kon Tum và Bạc Liêu. Như vậy, đã có 48 tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN