Giá cả ổn định
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hà, chợ Hôm… giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm không có nhiều biến động trong suốt mấy tháng vừa qua. Theo chị Nguyễn Thị Vinh, tiểu thương bán thịt lợn (chợ Vĩnh Quỳnh), giá thịt ổn định hoặc biến động không đáng kể, chỉ vài nghìn đồng/kg sau đó lại ổn định ngay. “Điều này khác hẳn diễn biến giá những năm trước đây, chỉ có tăng mà không giảm”, chị Vinh cho hay.
CPI tăng thấp góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Thực tế, theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12, CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,16% so với tháng trước. Cụ thể, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, hải sản… tăng cao hơn tháng trước với mức tăng từ 0,22% đến 0,98%.
“Giá thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản tươi sống và chế biến tăng 0,17% - 0,98% so với tháng trước, do nhu cầu thực phẩm cuối năm tăng. Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi cho sản xuất, nuôi trồng và đánh bắt xa bờ nên lượng cung ứng mặt hàng thủy hải sản ra thị trường giảm. Trong khi đó, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm nhẹ so với tháng trước do nguồn cung dồi dào và giá cước vận chuyển giảm như giá rau tươi, rau khô và rau chế biến giảm 0,27%; giá quả tươi và quả chế biến giảm 0,28% chủ yếu ở mặt hàng cam sành”, bà Vũ Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) phân tích.
Tính chung tất cả các nhóm hàng, CPI cả năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với 2014, thấp hơn nhiều so với con số 5% mà Quốc hội đề ra hồi đầu năm. Việc CPI thấp kỷ lục, vượt qua mọi dự báo trước đó, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một tín hiệu tốt, giúp người tiêu dùng nới lỏng chi tiêu, tạo cơ hội cho sản xuất phục hồi.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: “Nguyên nhân khiến lạm phát thấp ngoài tác động giảm của các yếu tố đầu vào, còn đến từ kết quả của một loạt chính sách kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu có tính độc quyền và nhạy cảm cao; kiểm soát hoạt động đầu cơ ngoại hối, đầu cơ vàng; khuyến khích phát triển hệ thống phân phối bán lẻ và thực hiện khuyến mãi lớn trên diện rộng...”.
Tranh thủ kích cầu tiêu dùng
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết thêm, trong khi lạm phát tăng thấp thì tổng cầu vẫn tăng chứ không hề giảm. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 ước tính là 3.242.900 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014.
Do đó, không nên quá lo lắng việc CPI tăng thấp là do tổng cầu yếu. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, lạm phát giảm là tín hiệu đáng mừng với người dân và doanh nghiệp. Người dân được lợi khi mua được hàng hóa rẻ. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế giữ ở mức cao (6,68%) nên lạm phát thấp sẽ giúp người dân hưởng đầy đủ thành quả của quá trình tăng trưởng. Thực tế cho thấy, thời gian qua, để kích cầu mua sắm cho người dân, tranh thủ cơ hội từ giá cả hàng hóa ổn định, các hệ thống siêu thị như Big C, Lotte đã liên tục có các chương trình khuyến mãi, tặng quà trong suốt năm 2015.
Khi tiêu dùng được thúc đẩy thì hoạt động sản xuất cũng sẽ được hưởng lợi. Trong ba năm qua, việc lạm phát giảm mạnh là yếu tố khiến mặt bằng lãi suất liên tục giảm. Cùng với giá nhiên liệu, nguyên liệu, chi phí vận chuyển... đều giảm sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích người dân đầu tư vào doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất.
Đại diện Công ty Pin Hà Nội cho biết, nhờ chi phí đầu vào giảm nên công ty không chịu nhiều áp lực phải kiềm chế giá sản phẩm đầu ra như giai đoạn trước. Chi phí tiết giảm được sẽ được dành cho các hoạt động marketing, chiết khấu cho đại lý nhằm kích cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý đến con số nhập siêu của năm nay đã đạt 3,2 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng vào Việt Nam có xu hướng tăng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn như điện thoại các loại và linh kiện tăng hơn 25%, ô tô tăng 59%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng 87,7%. Trên thị trường, nhiều hàng hóa thực phẩm như thịt bò, thịt gà... được nhập khẩu và bày bán tràn lan trên thị trường với giá thậm chí còn rẻ hơn hàng trong nước.
Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi, nhưng doanh nghiệp trong nước sẽ chịu thiệt do không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu giá rẻ. Theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát được tình hình thì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước sẽ chịu ảnh hưởng. Do đó, cần có các biện pháp kiềm chế nhập siêu, đặc biệt là nhập siêu hàng hóa tiêu dùng.